Rao bán trang sức từ động vật hoang dã trên Facebook bị phạt 15 tháng tù
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa phát đi thông tin về việc ngày 17/4, Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt đã mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt một người phụ nữ 15 tháng tù về hành vi buôn bán trái phép 20 móng gấu.
Gấu chó là loài động vật hoang dã lớp thú được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành theo Nghị định 64/NĐ-CP - cấp độ bảo vệ cao nhất theo quy định pháp luật của Việt Nam. Các hành vi buôn bán, tàng trữ cá thể động vật này và các sản phẩm của chúng đều vi phạm pháp luật.
Đối tượng là Huỳnh Thị Thanh Hằng (sinh năm 1994, trú tại thôn Trạm Hành 1, xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), chuyên buôn bán các sản phẩm trang sức được chế tác từ động vật hoang dã trên Facebook.
Trước đó vào tháng 08/2021, Công an thành phố Đà Lạt đã phát hiện Huỳnh Thị Thanh Hằng có hành vi tàng trữ trái phép 20 mặt dây chuyền móng gấu chó và nhiều trang sức làm giả chế tác từ động vật hoang dã khác.
Theo ghi nhận tại Cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), từ đầu năm 2021 cho tới khi bị bắt giữ, đối tượng Huỳnh Thị Thanh Hằng thường xuyên sử dụng nhiều tài khoản khác nhau trên mạng xã hội Facebook để quảng cáo và buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm như vòng ngà voi, nhẫn ngà voi, móng gấu.
Để thuận tiện cho việc buôn bán các sản phẩm trái phép, đối tượng còn mở một cửa hàng trưng bày những sản phẩm này với tên "Shop Phong thủy Bé Út" tại phường 6, thành phố Đà Lạt. Việc phát hiện nhiều sản phẩm động vật hoang dã và sản phẩm giả động vật hoang dã tại cửa hàng của đối tượng Hằng đã phần nào cho thấy tính chất "chuyên nghiệp" trong hoạt động kinh doanh online các sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm của đối tượng này.
Theo ENV, gấu chó là loài động vật hoang dã lớp thú được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành theo Nghị định 64/NĐ-CP - cấp độ bảo vệ cao nhất theo quy định pháp luật của Việt Nam. Theo quy định hiện hành, mọi hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể hay bộ phận cơ thể, sản phẩm của loài thuộc danh mục trên đều là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo Điều 244 Bộ luật hình sự mà không phụ thuộc vào số lượng, khối lượng hay giá trị của tang vật.
Tình trạng vi phạm về động vật hoang dã trên không gian mạng trong những năm gần đây chưa có dấu hiệu suy giảm. Trong ba tháng đầu năm 2023, ENV đã ghi nhận 418 vụ việc vi phạm trên không gian mạng, tương đương cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là hành vi quảng cáo, rao bán động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã.