1. Trang chủ /
  2. “Sạn” trong sách giáo khoa – câu chuyện chưa có hồi kết ?!

“Sạn” trong sách giáo khoa – câu chuyện chưa có hồi kết ?!

thứ hai, 3/4/2023 08:45 GMT+07
Lâu nay, việc “nhặt sạn” từ ngữ liệu không phù hợp đến nghiêm trọng hơn là sai kiến thức... khiến độc giả quan tâm và lên tiếng đã kéo dài 3 năm nay - kể từ khi triển khai chương trình cải cách GDPT 2018.
“Sạn” trong sách giáo khoa “Sạn” trong sách giáo khoa

Hầu như các bộ sách giáo khoa (SGK) nào cũng từng được dư luận “nhặt sạn”. Và sau đó, việc đính chính, sửa chữa... lại diễn ra. Tuy nhiên, đằng sau việc đính chính, thậm chí thu hồi SGK vì những lỗi nghiêm trọng như SGK của NXB GD Việt Nam năm ngoái, đáng tiếc là có những cuốn SGK kế tiếp lại... lỗi chồng lỗi, “sạn” lại chồng “sạn”.

Lỗi chồng lỗi ?

Có thể chỉ ra không ít lỗi ở 2 tập sách Tiếng Việt 4 của NXB GDVN. Như việc dạy HS viết báo cáo theo mẫu không đúng, nội dung giống biên bản, chứ không phải báo cáo, về thể thức, không có quốc hiệu; người viết báo cáo là thư kí, chứ không phải chủ tọa cuộc họp.

SGK lớp 4 Tiếng Việt bộ Kết nối cũng mắc những lỗi lẽ ra không đáng có. Đơn cử, phiên âm tên nước ngoài sai nhiều. Ví dụ, Ludwig van Beethoven phiên âm là Lút-vích-van Bét-tô-ven. Van là một từ đệm, lẽ ra phải tách riêng.

Thocadéro (tiếng Pháp) phiên âm là Thô-ca-đê-rô. Trong tiếng Pháp, h là một chữ câm, nên phải phiên âm Tô-ca-đê-rô mới đúng.

Điều đáng nói là ngay việc viết nguyên dạng tên nước ngoài trong SGK cũng sai:

- Nguyên dạng tên phiên âm Tin-tin là Tylyl thì sách viết: Tintin. Nếu viết như vậy thì phải đọc là Tanh-tanh.

- Nguyên dạng tên phiên âm Mi-tin là Mytyl thì sách viết: Mitin. Nếu viết như vậy thì phải đọc là Mi-tanh.

Chắc người soạn sách không có tác phẩm Con chim Xanh (của chính NXB GD) mà chỉ lấy từ SGK cũ rồi tự khôi phục nguyên dạng theo tưởng tượng của mình nên mới sai. Sai như vậy thì bảng tra cứu tên riêng nước ngoài còn có ý nghĩa gì?

SGK phải là chuẩn mực về kiến thức, đứng đầu các tiêu chí. Tuy nhiên, để sảy ra liên tiếp những “hạt sạn” không đáng có trong kiến thức như vậy, không chỉ thể hiện trình độ của người biên soạn, mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với học sinh, giáo viên.

Gần đây, cô giáo M.C ( Bắc Kạn) rất ngạc nhiên khi thấy SGK viết anh Kim Đồng hi sinh ngày 15 tháng 2 năm 1943, trước khi Đội VN Tuyên truyền Giải phóng quân của ông Võ Nguyên Giáp ra đời (22-12-1944) hơn 1 năm. Vậy lúc ấy anh Kim Đồng làm giao liên cho bộ đội nào? Ngay cả khi đội quân của ông Võ Nguyên Giáp được thành lập thì đội quân ấy cũng chưa được gọi là "bộ đội". Từ "bộ đội" chỉ du nhập vào nước ta sau Chiến thắng Biên giới (1950). Còn từ "giao liên" thì xuất hiện trong kháng chiến chống Mỹ, sau ngày anh Kim Đồng hi sinh trên dưới 20 năm.

Chúng ta đang bắt đầu triển khai, thực hiện môn Lịch sử là môn tự chọn. Điều đó khẳng định ý nghĩa, vị thế môn Lịch sử trong việc giáo dục lòng yêu nước, yêu dân tộc cho thế hệ trẻ. Việc đó bắt đầu từ những trang sách giáo khoa đầu đời. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, kiến thức lịch sử phải chuẩn xác nhất.

san trong sach giao khoa cau chuyen chua co hoi ket hinh 1
san trong sach giao khoa cau chuyen chua co hoi ket hinh 2
san trong sach giao khoa cau chuyen chua co hoi ket hinh 3
san trong sach giao khoa cau chuyen chua co hoi ket hinh 4


san trong sach giao khoa cau chuyen chua co hoi ket hinh 5
san trong sach giao khoa cau chuyen chua co hoi ket hinh 6

Không nên để tiếp tục tái diễn những sai sót về kiến thức SGK

Đầu tháng 12 vừa qua, giáo viên lại phát hiện trong cùng một bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, nhưng ở phần bài tập cuối Chương 1 trong SGK Toán 6 (tập 1) ở các nhà in Cà Mau, Sóc Trăng, Quảng Nam lại có nội dung khác nhau.

Hay cùng một nhóm viết SGK Lịch sử và Địa lý mà kiến thức lớp 6 và lớp 7 lại hoàn toàn trái ngược nhau.

Cụ thể, SGK Lịch sử và Địa lý 6 có nội dung: "Miền Trung và miền Nam là cao nguyên Đê-can với rừng rậm và núi đá hiểm trở; chỉ có vùng cực Nam và dọc theo hai bờ ven biển là những đồng bằng nhỏ hẹp, là nơi sinh sống tương đối thuận lợi, dân cư đông đúc".

Nhưng ở SGK Lịch sử và Địa lý lớp 7 lại cung cấp kiến thức cao nguyên Đê-can lại ở vùng Tây Nam.

Trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội, tháng 01/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, NXB GD VN đã phải thu hồi 110.000 cuốn SGK đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và một số cuốn sách khác vì những sai sót ảnh hưởng đến việc tiếp nhận kiến thức chuẩn của các cuốn sách này. 

Đây chỉ là một vài ví dụ nhỏ liên quan đến những "hạt sạn” trong SGK của NXB GD VN. Tuy nhiên, trước những lỗi nghiêm trọng này, đến nay phía NXB GD VN hoàn toàn chưa có ý kiến phản hồi, đính chính hay bất kỳ hành động khắc phục hậu quả nào.

Năm ngoái, dư luận đã bất bình và phản ứng với nhiều ý kiến, trong đó đáng chú ý nhất là ý kiến của thầy giáo Mai Văn Túc (giáo viên dạy Vật lý, Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và nhiều GV trên cả nước) phát hiện cuốn SGK Khoa học tự nhiên 6 (thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống do NXB GD VN biên soạn và xuất bản). Cuốn sách do nhóm 12 tác giả biên soạn, ông Vũ Văn Hùng làm Tổng chủ biên, NXB GD VN năm 2021.

Sau khi chỉ ra một loạt lỗi sai trong cuốn sách, thầy Túc chỉ ra 1 bài đã có tới gần hai chục lỗi. Thầy thất vọng bởi sự sai lệch kiến thức nghiêm trọng trong cuốn sách này. Nhất là khi thực hiện thí nghiệm cho học sinh theo hướng dẫn của sách: “Cuối cùng điều gì khẳng định khi tiến hành thí nghiệm thì xe lăn đang chuyển động theo phương ngang? Thiếu cơ sở khoa học. Vậy là chỉ trong một bài đã có tới 16 cục "sạn".

Hay như trong bài 54 - Hệ mặt trời, hướng dẫn học sinh chế tạo dụng cụ quan sát vết đen trên mặt trời, thầy Túc cho biết: "Hình vẽ và hướng dẫn không khớp nhau làm giáo viên và học sinh làm nhầm có thể gây tổn thương rất nguy hiểm cho mắt, thậm chí mù mắt. Không thể kết nối tri thức với cuộc sống như thế này được".

Đánh giá về những sai sót này, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, đang có sự thiếu hụt đội ngũ biên soạn năng lực. Bản thân chương trình GDPT 2018 chưa được thử nghiệm bài bản. Rất có thể bộ SGK cũng chưa kịp thử nghiệm nghiêm chỉnh trên diện rộng để đánh giá và điều chỉnh dẫn đến nhiều sạn. Đặc biệt, phối hợp giữa phát triển chương trình giáo dục và người viết sách, NXB cộng với hệ thống đo lường đánh giá đang “khấp khểnh”.

Bao giờ SGK hết “sạn”? Điều đó phụ thuộc vào Hội đồng thẩm định SGK, phụ thuộc vào trách nhiệm và năng lực của đội ngũ những người biên soạn SGK.