1. Trang chủ /
  2. Sẽ bổ sung mục “nơi sinh” khi sửa đổi mẫu Hộ chiếu mới

Sẽ bổ sung mục “nơi sinh” khi sửa đổi mẫu Hộ chiếu mới

thứ tư, 10/8/2022 13:40 GMT+07
(PLM) - Nội dung này được Bộ Công an nêu rõ trong báo cáo tới các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào sáng nay (10/8).

Hoạt động biến tướng cho vay qua mạng (app) khó đấu tranh, xử lý

Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ Công an cho biết, trong công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương rà soát, phát hiện các cơ sở kinh doanh, cá nhân, băng nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” và tăng cường xử lý các vi phạm. Kết quả, đã khởi tố 1.575 vụ/3.399 bị can; xử phạt hành chính 719 vụ/1.182 đối tượng.

Do đấu tranh trấn áp quyết liệt nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã được kiềm chế; nhiều chỗ tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, có lúc, có nơi tình trạng này còn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động biến tướng cho vay qua mạng (app) khó phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn.

Người dân làm thủ tục cấp hộ chiếu (Ảnh minh họa)


Về vấn đề hộ chiếu mới không có thông tin nơi sinh được dư luận theo dõi thời gian gần đây, Bộ Công an khẳng định: Theo quy định của ICAO, ngoài các thông tin bắt buộc phải có trên hộ chiếu, các thông tin khác như nơi sinh tùy thuộc vào từng quốc gia, không bắt buộc phải có. Đối với một số nước châu Âu thông báo từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chức năng của các nước và xác định đây là vấn đề mang tính kỹ thuật, hộ chiếu thiếu nơi sinh sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của các nước sở tại.

Do đó, để giải quyết vấn đề trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân ta khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước trong khu vực Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu, Bộ Công an đã thống nhất với Bộ Ngoại giao trước mắt tiến hành bị chú “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân khi công dân có đề nghị. Về lâu dài sẽ tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục “nơi sinh” trang nhân thân hộ chiếu (Bộ Công an đang lấy ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao về vấn đề này).

Đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi

Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL), Bộ VH,TT&DL làm rõ nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, hệ thống pháp luật về du lịch đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển du lịch, đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013. So với trước đây, hệ thống pháp luật về du lịch hiện nay có nhiều quy định đổi mới như bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành, chú trọng quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, đa dạng hóa các dịch vụ du lịch… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành Du lịch vẫn còn phải gặp phải một số khó khăn, hạn chế.

hục hồi và phát triển du lịch bền vững hậu COVID không thể thành công trong “một sớm, một chiều”; phải “tư duy mới, hành động mới”. Du lịch phải đứng trên hai chân “Nội địa” và “Quốc tế”… Trước những nhận định trên, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, biện pháp hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp phục hồi, phát triển du lịch; phát huy vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong phát huy hiệu quả liên kết phát triển du lịch, phát triển sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá. Tiếp tục đồng hành, phát huy sức mạnh của toàn dân và doanh nghiệp, vai trò của hiệp hội du lịch, tổ chức các diễn đàn, cuộc trao đổi để doanh nghiệp có cách nhìn đúng, đồng hành cùng Chính phủ, Bộ VH,TT&DL, các địa phương nỗ lực xây dựng, phục hồi và phát triển du lịch…

Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ VH,TT&DL kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật PPP theo hướng đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi, khuyến khích đầu tư cũng như là lĩnh vực được triển khai phương thức đầu tư đối tác công - tư. Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan theo hướng xây dựng chính sách hấp dẫn, cạnh tranh về đất đai, tài chính, điện, nước cho các dự án đầu tư phát triển du lịch. Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan để triển khai được Đề án phát triển kinh tế đêm…

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 222 ra ngày 10/8/2022)