Siết chặt quản lý tài nguyên than, khoáng sản
Để có được kết quả trên, chính quyền các cấp của TP Hạ Long và các đơn vị ngành Than đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Đồng thời, hình thành và vận hành tốt cơ chế trách nhiệm theo hướng cụ thể, rõ đầu mối, nêu cao vai trò của người đứng đầu.
Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên than, khoáng sản, Đảng ủy, UBND các xã, phường, các chi bộ, đảng bộ cơ sở đã ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo để tuần tra, kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép. Công tác quản lý cũng được quy định rõ trách nhiệm của trưởng công an, bí thư, trưởng các thôn, khu nếu để xảy ra khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than, khoáng sản trái phép.
Cùng với việc phân công trách nhiệm cụ thể đến từng tập thể, đơn vị, lực lượng chức năng và từng cá nhân liên quan, TP Hạ Long đã phân công 1 phó chủ tịch UBND thành phố trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản.
Trong quá trình thực hiện quản lý, trách nhiệm của các đơn vị ngành Than, TP Hạ Long và các xã, phường được xác định rõ ràng, thực hiện nghiêm túc. Trong đó, các đơn vị ngành Than chủ động tổ chức các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn tình trạng thu gom, đào bới, khai thác than trái phép, không để thất thoát tài nguyên trong khai trường, trên đường vận chuyển và tại cảng xuất than.
Song hành cùng các đơn vị, TP Hạ Long cũng đã duy trì hoạt động của đội kiểm tra liên ngành trực 24/24h trong các dịp cao điểm. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, từ đầu năm đến nay, thành phố đã kịp thời phát hiện, xử lý 20 vụ có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép trên 320 tấn than các loại; xử phạt vi phạm hành chính gần 300 triệu đồng.
Đặc biệt, thời gian qua, TP Hạ Long cũng đã chủ động kiểm tra, rà soát các dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, không để xảy ra việc lợi dụng các dự án để khai thác khoáng sản trái phép.
Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra của lực lượng chức năng thành phố cho thấy, có xuất lộ khu vực đất đá màu đen tại Km4+200 đến Km4+320 thuộc mái taluy dương phía Nam của công trình dự án đường bao biển nối Hạ Long với Cẩm Phả, với diện lộ không đồng đều trong khoảng 70 - 100m. Trước thực tế này, thành phố đã kịp thời báo cáo UBND tỉnh theo quy định và nghiêm túc kiểm soát, quản lý chặt chẽ, không để lợi dụng hoạt động đầu tư xây dựng thực hiện dự án để khai thác tận thu.
Hay như vào cuối tháng 6/2022, trong quá trình thi công khai thác đất đá làm vật liệu san lấp của Công ty Cổ phần Bảo Lai tại phường Đại Yên và phường Việt Hưng, đã có 3 vị trí xuất lộ đất, đá màu đen… Các đơn vị chức năng của thành phố đã kịp thời lập biên bản ghi nhận hiện trường và yêu cầu công ty tạm dừng hoạt động tại 3 vị trí có xuất lộ, để thành phố báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh.
Trong công tác quản lý bến cảng, TP Hạ Long yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc bố trí cảng bến tiêu thụ than theo quy mô, công suất và tính chất theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Hiện, các đơn vị có sử dụng cảng, bến, bãi tập kết, tiêu thụ than trên địa bàn cơ bản nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Các đơn vị ngành Than đã và đang hoàn thiện quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các cảng tiêu thụ than làm cơ sở hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường như hệ thống hàng rào chống bụi, hệ thống xử lý nước thải... Các xe tham gia vận chuyển than ra kho cảng qua các tuyến đường chuyên dùng đều được gắn định vị GPS, gắn logo của tên đơn vị vận chuyển và thực hiện đúng quy định bảo đảm vệ sinh môi trường.
Cùng với đó, TP Hạ Long đã kịp thời rà soát, tham mưu phương án quản lý bã sàng, đá xít, đất đá lẫn than theo hướng chế biến thành các sản phẩm tại mỏ phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo điều kiện để ngành Than có cơ sở thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước; phối hợp hoàn thành phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với 2 dự án; hoàn thành dứt điểm việc đầu tư các tuyến băng tải, vận tải đường sắt, cầu vượt đường bộ, lắp đặt hệ thống giám sát tự động để quản lý thường xuyên, liên tục khai trường khai thác, chế biến; không để xảy ra các vi phạm phổ biến về luồng tuyến vận tải than; không còn các điểm ô nhiễm môi trường; không cấp phép mới, thực hiện đúng lộ trình dừng khai thác các mỏ, đá, sét theo quy hoạch của tỉnh.
Có tới 22/33 xã, phường có hoạt động khai thác khoáng sản, nhưng đến nay, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trên địa bàn, TP Hạ Long đã chấm dứt được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; việc quản lý, bảo vệ, khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ khoáng sản được kiểm soát, không để hình thành “điểm nóng”… Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Than và các doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất, đóng góp vào sự tăng trưởng chung, tiếp tục đưa TP Hạ Long trở thành đầu tàu kinh tế của cả tỉnh.