1. Trang chủ /
  2. Sóc Sơn – Hà Nội: Cần xem xét bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân

Sóc Sơn – Hà Nội: Cần xem xét bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân

thứ bảy, 3/6/2023 22:10 GMT+07
Sinh sống ổn định lâu năm, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đất hàng năm nhưng nhiều hộ gia đình là con em của bệnh nhân ở trại phong Đá Bạc cũ (nay là thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đang đứng trước nguy cơ lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” bởi chính quyền địa phương cho biết nguồn gốc đất họ sinh sống bấy lâu nay thuộc đất công.

Người dân tự khai hoang thành “làng phong”

Trong đơn kêu cứu gửi Báo Công lý và các cơ quan chức năng, một số hộ dân con em bệnh nhân trại phong Đá Bạc cho biết, từ những năm 1969 đến 1970, nhiều trường hợp bị bệnh phong nặng được Nhà nước đưa đến trại phong Đá Bạc để cách ly, điều trị tập trung.

Theo phản ánh, trại phong Đá Bạc biệt lập với khu dân cư, nằm sát dưới chân núi Ấm. Đời sống cơ cực nên những bệnh nhân phong bằng sức lao động của mình đã tự khai hoang những mảnh đất cằn cỗi phía ngoài trại phong để trồng khoai, sắn nhằm duy trì sự sống.

Đến những năm 1984-1985 cùng với quá trình khai hoang của nhiều trường hợp khác đang điều trị tại đây, một “làng phong” (tên gọi thời điểm đó – PV) nhỏ đã được hình thành, nằm sát phía ngoài trại phong Đá Bạc.

anh-1-1-.jpg
Một số hộ dân lo lắng trước nguy cơ ‘màn trời chiếu đất’ và mong muốn cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn, Hà Nội xem xét vụ việc một cách thấu tình đạt lý

Bà Nguyễn Thị Mai, một người dân sống ở đây cho biết: “Bố mẹ tôi mang trong mình căn bệnh quái ác, trong thời gian điều trị tại trại phong Đá Bạc đã phải lao động không biết mệt mỏi để trồng trọt và chăn nuôi nhằm cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, vào những năm 1992, khu điều trị trại phong Đá Bạc đã ký hợp đồng thuê gia đình các hộ dân canh tác trồng trọt rồi bán lại các sản phẩm hoa màu cho trại phong để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày”.

anh-6.jpg
Hợp đồng chăn nuôi giữa một hộ dân với khu điều trị trại phong Đá Bạc

Thông tin từ các hộ gia đình ở thôn Phú Ninh, năm 2004, nhiều hộ dân cũng đã gửi đơn đề nghị xin cấp đất thổ cư và được UBND xã Minh Phú xác nhận đồng ý.

Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Mai, anh Nguyễn Công Hòa được UBND xã ký xác nhận cấp cho gia đình 360m2 đất thổ cư vào ngày 22/09/2004.

Trong đơn xét duyệt do Chủ tịch UBND xã Dương Ngọc Oanh thời điểm đó cũng ghi rõ: “UBND xã Minh Phú đồng ý cho gia đình đấu thầu lâu dài 360m2 (ba trăm sáu mươi m2) đất thổ cư. Thu đóng góp cơ sở hạ tầng một lần 20 triệu đồng”.

anh5.jpg
Gia đình anh Nguyễn Công Hòa được UBND xã ký xác nhận cấp cho gia đình 360m2 đất thổ cư vào ngày 22/09/2004.

Cũng theo phản ánh, năm 2013, trại phong Đá Bạc thực hiện chủ trương di chuyển về nơi khác để cải thiện hoàn cảnh chữa trị cho các bệnh nhân.

Lãnh đạo trại phong thời điểm đó cũng đã hướng dẫn cho các hộ dân làm đơn kiến nghị UBND xã Minh Phú tạo điều kiện giúp đỡ và xác nhận cho các hộ những mảnh đất mà họ đã khai hoang từ năm 1984 – 1985 và các hộ gia đình cũng đã đóng thuế phi nông nghiệp hàng năm theo đúng quy định của pháp luật.

Tùy theo mức độ, diện tích nhưng vài chục triệu đối với những gia đình bệnh nhân phong thời điểm đó là một con số tương đối lớn. Nhưng để có cơ hội “an cư lạc nghiệp”, nhiều gia đình đã chạy vạy, bán tài sản, gia cầm để thực hiện nghĩa vụ với địa phương, đồng thời cũng đảm bảo quyền lợi công dân cho chính mình.

Khi trại phong chuyển đi, các gia đình bệnh nhân phong vẫn sinh sống ổn định trên diện tích đất họ đã khai hoang và đã được chính quyền xã xác nhận.

Đất người dân đang ở thuộc đất công do xã quản lý?

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Oanh, một trong những gia đình có đơn kiến nghị chia sẻ, đầu năm 2023, các hộ dân sinh sống ổn định tại đây đứng ngồi không yên bởi thông báo từ chính quyền địa phương cho biết, mảnh đất các hộ gia đình đang sinh sống nằm trên đất công, thuộc khu điều trị trại phong theo bản đồ 1993, một số hộ gia đình khác lại sống trên đất được quy hoạch là đất rừng.

anh-2-1-(1).jpg
Người dân cung cấp biên lai nộp thuế đất hàng năm

“Cuộc sống của người dân khổ một thì những con em bệnh nhân của căn bệnh quái ác như chúng tôi khổ gấp năm, gấp mười. Từ lâu nơi đây chưa có nước sạch, chưa đường bê tông, điện lưới thì mới có từ năm 1996. Bây giờ lại nhận được thông tin từ UBND xã chúng tôi như ngồi trên đống lửa, nguy cơ bị mất trắng mảnh đất do cha mẹ gây dựng có thể xảy ra", anh Nguyễn Ngọc Oanh lo lắng.

Ngày 4/4/2023, hàng chục hộ dân đã có đơn gửi chính quyền địa phương về nguồn gốc thời điểm sử dụng đất, và quá trình sinh sống của các hộ dân tại khu trại phong Đá Bạc và đề nghị xem xét làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trao đổi với PV, ông Dương Văn Thay, Bí thư Đảng ủy xã Minh Phú cho biết, sau khi xem xét đơn và rà soát lại hồ sơ, UBND xã đã mời các hộ dân đến làm việc và có văn bản trả lời công dân về tính pháp lý của nguồn gốc đất.

anh-3.jpg
anh-4.jpg
Văn bản trả lời công dân của UBND xã Minh Phú

Liên quan đến kiến nghị của người dân, ngày 7/4, UBND xã Minh Phú đã mời và làm việc với các hộ dân.

Kết quả làm việc đã xác định được 23 vị trí thửa đất đang được các hộ dân sử dụng tại thôn Phú Ninh (Khu trại phong).

Tuy nhiên, văn bản số 101/UBND/ĐC về trả lời công dân do ông Trần Huy Du, Chủ tịch UBND xã Minh Phú ký ban hành cho biết: “Từ kết quả việc xác định 23 vị trí thửa đất đang được các hộ dân sử dụng tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú đều nằm trong ranh giới khu đất trại phong đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn lập và bàn giao ngày 1/6/2019 để UBND xã Minh Phú quản lý là đất công. Do vậy các thửa đất này không đủ điều kiện để đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Trong đơn gửi một số cơ quan, người dân mong muốn các cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn, Hà Nội xem xét sự việc một cách thấu tình, đạt lý, làm sao bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các hộ gia đình đã sinh sống lâu năm nơi đây; tránh để họ rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”.