1. Trang chủ /
  2. Sớm khắc phục tình trạng quá tải tại bãi tạm giữ xe vi phạm

Sớm khắc phục tình trạng quá tải tại bãi tạm giữ xe vi phạm

thứ năm, 13/4/2023 23:02 GMT+07
Tình trạng nhiều phương tiện xe máy, thậm chí ô-tô vi phạm quy định an toàn giao thông, xe tang vật không có chủ đến nhận lại khiến các bãi xe tạm giữ phương tiện rơi vào quá tải, nhiều xe hư hỏng và không thể sử dụng.
Tình trạng nhiều phương tiện giao thông vi phạm bị tạm giữ không có chủ phương tiện đến lấy đã khiến nhiều bãi trông xe quá tải, phương tiện hư hỏng và không còn sử dụng được. Ảnh: TL.

Quá tải, bất cập từ các bãi trông giữ xe vi phạm

Hầu hết xe tang vật trong vụ án, xe liên quan đến tai nạn giao thông và nhiều trường hợp vi phạm bị lực lượng chức năng xử lý, đưa về các bãi trông giữ phương tiện vi phạm của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên hiện nhiều bãi trông giữ lên tới hàng nghìn chiếc và đang trong tình trạng quá tải.

Ghi nhận thực tế tại bãi trông giữ xe của Xí nghiệp 5 (thuộc Công TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) trên đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm), hàng nghìn chiếc xe máy đang được xếp chật kín. Rất nhiều trong số này đã nằm ở đây vài năm mà chủ không đến làm thủ tục lấy xe về.

som khac phuc tinh trang qua tai tai bai tam giu xe vi pham hinh 1
Tình trạng nhiều phương tiện giao thông vi phạm bị tạm giữ không có chủ phương tiện đến lấy đã khiến nhiều bãi trông xe quá tải, phương tiện hư hỏng và không còn sử dụng được. Ảnh: TL.

Theo đại diện đơn vị trông giữ xe, cả bãi có khoảng hơn 3 nghìn xe vi phạm. Riêng từ đầu năm đến nay lượng tồn đọng đã lên hơn 300 xe máy, chủ yếu là xe của người vi phạm nồng độ cồn.

Anh Vinh, trú tại quận Hoàng Mai có xe vi phạm bị tạm giữ. Sau khi nộp phạt nhận xe, chứng kiến cảnh rất nhiều phương tiện phơi mưa, phơi nắng bày tỏ: “Nhiều xe có giá trị cao nhưng do để lâu ngày bị hư hỏng, trở thành phế liệu, không thể khôi phục để sử dụng. Thật quá lãng phí!”.

Còn tại bãi xe của Công ty Hà Cầu - Thăng Long, có địa chỉ ở phường Hà Cầu (quận Hà Đông, TP. Hà Nội), hàng nghìn xe máy đủ loại từ mới đến cũ nát được tập kết, chất đống. Ông Nguyễn Văn Thốn - Giám đốc Công ty Hà Cầu - Thăng Long cho biết, lượng xe máy tồn qua các năm hiện nay là gần 3.000 chiếc. 

Chỉ tính riêng trong hơn 3 tháng đầu năm 2023 đã có gần 100 chiếc xe máy vi phạm chưa có chủ đến làm thủ tục lấy xe. Số lượng này tăng hơn nhiều so với cùng thời điểm này ở các năm trước.

Trong số các phương tiện vi phạm đang tạm giữ những phương tiện lưu bãi từ những năm 2015, 2016 mà không có ai đến làm thủ tục nhận xe. Số xe ra khỏi bãi rất ít, số xe thanh lý rất chậm nên diện tích để xe ngày càng chật hẹp.

Không chỉ ở Hà Nội mà tại TP. Hồ Chí Minh, thống kê đến hết tháng 2/2023 đã có tổng cộng gần 32.000 xe vi phạm quá thời hạn tạm giữ nhưng vẫn tồn trong các kho bãi. Dự kiến trong năm nay, thành phố sẽ tổ chức 4 đợt đấu giá để thanh lý hơn 16 nghìn xe vi phạm mà không có người đến nhận.

Xe cũ chưa thanh lý xong thì xe vi phạm mới bị tạm giữ lại đến. Trung bình mỗi ngày, lực lượng cảnh sát giao thông tạm giữ thêm 500 phương tiện vi phạm. Vì thế các kho bãi giữ xe vi phạm không chỉ của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (Công an TP. Hồ Chí Minh) mà tại các quận, huyện đều rơi vào tình trạng quá tải.

Số lượng lớn xe bị tạm giữ nhưng chủ xe không đến nhận hoặc là các tang vật bị tịch thu đã làm phát sinh nhiều chi phí khác như chi phí thuê kho, phòng cháy chữa cháy, các chi phí khác để duy trì... Thời gian qua cũng đã xảy ra các vụ cháy nổ ở các bãi giữ xe tang vật.

Việc bắt giữ và xử lý xe vi phạm đã trở thành một bài toán khó mà hiện nay chưa có cách giải quyết tối ưu. Việc thu giữ xe theo đúng quy định sẽ góp phần đảm bảo an toàn, răn đe người tham gia giao thông nhưng lại phát sinh nhiều khó khăn trong việc quản lý, xử lý xe vi phạm sau này.

Đâu là giải pháp?

Trao đổi với PV, một cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP. Hà Nội) cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc người vi phạm không đến nhận phương tiện do các xe này không có hoặc mất giấy tờ đăng ký, xe biển giả, các xe nhập lậu được mua trôi nổi trên thị trường.

Nguyên nhân thứ 2 là do những chủ phương tiện này bị phát hiện những hành vi như đi xe trộm cắp hoặc trên người có ma túy khi đi xe nên không dám đến cơ quan công an để xác minh.

Đặc biệt hiện mức xử phạt nhiều vi phạm cao hơn giá trị thực của chiếc xe cùng với thủ tục nhận lại xe mất nhiều thời gian. Ví dụ như trường hợp vi phạm nồng độ cồn có mức xử phạt tối đa là trên 7 triệu đồng trong khi chiếc xe đó đã quá cũ, nếu bán ra ngoài thị trường chỉ có giá 2 - 3 triệu đồng nên người vi phạm không đến nhận lại xe.

som khac phuc tinh trang qua tai tai bai tam giu xe vi pham hinh 2
Cần có những giải pháp toàn diện để giảm tình trạng quá tải tại các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông. Ảnh: Lê Khánh.

Một khó khăn khác mà lực lượng Cảnh sát giao thông gặp phải khi xử lý các xe “vô chủ” này là công tác tịch thu, thanh lý tài sản. Công tác này phải trải qua hàng loạt các thủ tục như xác minh nguồn gốc chủ sở hữu, mời đương sự đến giải quyết, tổ chức giám định, tra cứu xe nghi vấn không hợp pháp, xe bị đục số khung, số máy,...

Đánh giá về tình trạng quá tải tại các bãi trông giữ phương tiện vi phạm, TS. Khương Kim Tạo - Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định, bây giờ một số chủ xe có thể bỏ phương tiện nhưng chúng ta vẫn phải xử lý.

“Luật pháp chúng ta phải quy định trong thời gian bao lâu nếu chủ xe không đến lấy mà chúng ta đã liên hệ mấy lần chủ xe vẫn chây ì không lấy thì chúng ta có thể yêu cầu mang bán đấu giá. Quy định phải rất rõ ràng để quản lý phương tiện vi phạm bị tạm giữ”, TS. Khương Kim Tạo cho biết thêm.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng do Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Nghị định 123 sửa đổi bổ sung Nghị định 100 lại quy định mở rộng quá nhiều trường hợp tạm giữ xe so với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Xe máy có 15 lỗi vi phạm sẽ bị tạm giữ, xe ô-tô là 12 lỗi vi phạm bị giữ xe. 

Cụ thể, Điều 125 của Luật xử lý vi phạm hành chính quy định việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là biện pháp ngăn chặn và chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết gồm: để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

Trong khi đó, Nghị định xử phạt giao thông quy định rất nhiều trường hợp xe máy vi phạm bị tạm giữ mà nhiều lỗi trong đó không thật cần thiết phải tạm giữ xe. Do đó cần đánh giá lại lỗi vi phạm nào thật cần thiết tạm giữ xe máy. Tránh việc tạm giữ quá nhiều vừa tạo áp lực cho cơ quan nhà nước vừa dẫn đến nguy cơ hư hỏng tài sản của người dân.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ quy trình xử lý xe tang vật, xe vi phạm. Cần áp dụng công nghệ số trong quản lý giấy phép lái xe, căn cước công dân và các giấy tờ liên quan khác. Lực lượng Cảnh sát giao thông có thể tra cứu và biết được đầy đủ thông tin của người vi phạm, ngăn tình trạng bỏ xe.

Hoặc việc đóng tiền phạt vi phạm giao thông, vi phạm hành chính khác đã có thể thực hiện qua cổng dịch vụ công. Ngay cả với lỗi vi phạm nồng độ cồn, nếu nhận thấy người vi phạm tỉnh táo, chấp hành hiệu lệnh thì có thể cho người thân đến đưa xe máy về, chỉ tạm giữ giấy phép lái xe hoặc giấy đăng ký xe.