1. Trang chủ /
  2. Sửa Luật Tổ chức tín dụng: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý xử lý nợ xấu

Sửa Luật Tổ chức tín dụng: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý xử lý nợ xấu

thứ năm, 18/5/2023 21:55 GMT+07
Dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung 1 chương về xử lý nợ xấu, tuy nhiên nhiều nội dung quan trọng tại Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội (NQ 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng như những vướng mắc thực tế cần được luật hóa cụ thể hơn.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Tỷ lệ nợ xấu có thể tăng

Phát biểu tại Hội thảo “Vấn đề xử lý nợ xấu (XLNX) trong Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD - sửa đổi) được tổ chức hôm qua (17/5), TS Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, để không tạo khoảng trống pháp lý khi NQ 42 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) trong đó đã bổ sung thêm 1 chương quy định về XLNX và tài sản bảo đảm (TSBĐ).

Cụ thể, Chương XI trong dự thảo Luật sửa đổi gồm 9 điều liên quan đến các nội dung: Khái niệm nợ xấu; Bán nợ xấu và TSBĐ; Mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, XLNX; thủ tục thu giữ TSBĐ; Mua, bán khoản nợ xấu có TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Kê biên TSBĐ của bên phải thi hành án; Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ; hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính; Và chuyển nhượng TSBĐ.

Việc bổ sung các quy định trên nhận được sự ủng hộ của các ngân hàng (NH) và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đối với nội dung của các quy định cụ thể, vẫn còn những ý kiến khác nhau. Nhiều NH và DN tỏ ra băn khoăn về việc một số nội dung của NQ 42 đã không được đưa vào dự thảo Luật như: Xử lý TSBĐ là dự án bất động sản; Bán nợ xấu có TSBĐ đang bị kê biên; Phân bổ lãi dự thu; Quy định về áp dụng thủ tục xét xử rút gọn… “Những nội dung này sẽ được quy định tại văn bản pháp luật nào và khi nào được ban hành? Đây là vấn đề đang được các NH và DN hết sức quan tâm..”, ông Tuấn cho hay.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), từ khi NQ 42 có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo NQ 42. Trong đó, XLNX nội bảng đạt 211,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,9% tổng nợ xấu đã xử lý).

Ngoài ra, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 29,3% tổng nợ xấu đã xử lý). Xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 19,7%).

Khẳng định vai trò của NQ 42 trong XLNX, song theo Tổng Thư ký VNBA, thực trạng nợ xấu của các TCTD hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh DN rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái… “Một số DN cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến NH gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu theo tôi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, lời ông Hùng.

Cũng theo ông Hùng, nhiều NH cho hay, khách hàng có nợ xấu thiếu hợp tác, thậm chí có trường hợp cố tình không bàn giao TSBĐ để xử lý. Các NH buộc phải sử dụng biện pháp tố tụng dẫn đến việc thu hồi nợ mất nhiều thời gian. Trong quá trình thi hành án, các đương sự cố tình tạo ra tranh chấp với bên thứ 3, sau đó khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài việc kê biên, xử lý TSBĐ... Bên cạnh đó, NQ 42 dù có quy định về giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn nhưng cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được áp dụng.

Cần cơ chế pháp lý đặc thù, cụ thể

Ghi nhận những thay đổi trong XLNX của Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi), ông Hoàng Hải Vươn - Giám đốc phụ trách Khu vực miền Bắc NH Eximbank - đề nghị Dự thảo sửa đổi, bổ sung 7 vấn đề liên quan đến: Thu giữ TSBĐ để xử lý, thu hồi nợ quá hạn, nợ xấu: Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ; Giải quyết vụ án dân sự khi khách hàng đang liên quan đến vụ án hình sự khác; Chuyển nhượng TSBĐ; Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến xử lý TSBĐ tại Tòa án; Xử lý khi bên bảo đảm tự ý bán TSBĐ, cầm cố TSBĐ khi không có sự chấp thuận, đồng ý của TCTD...

Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh quan điểm: “Nếu như xác định nợ xấu là vấn đề riêng của ngành NH thì xử lý rất khó, còn nếu xác định nợ xấu là vấn đề xã hội, là vấn đề cần quan tâm thì phải cần sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức để xử lý nghiêm và thu hồi các khoản nợ”.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nợ xấu không phải là “sở hữu” của NH mà là “sở hữu” của DN, cá nhân và cả nền kinh tế nói chung, vì thế, nếu không làm cho nợ xấu tốt lên thì ít nhất cũng không làm cho nó xấu đi. Do đó, cần phải có cơ chế pháp lý đặc thù, cụ thể.

Luật sư Đức đồng thời lưu ý, tuy trọng tâm, trọng điểm cơ chế pháp lý XLNX là dành cho NH, nhưng không chỉ dành cho NH. Mà kể cả chỉ dành cho NH, thì cũng phải nới rộng cơ chế pháp lý liên quan đến nợ xấu NH thay vì đang đóng. “Việc ban hành NQ 42 là tốt nhưng chỉ là giải pháp chữa cháy. Việc đưa NQ 42 vào Luật Các TCTD cũng tốt, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Đường dài, hợp lý nhất là phải xây dựng 1 luật chung để XLNX của nền kinh tế, trong đó trọng điểm là nợ xấu của các TCTD”, Luật sư Đức nói.