1. Trang chủ /
  2. Sửa Nghị định theo hướng không tăng học phí năm học 2023 - 2024

Sửa Nghị định theo hướng không tăng học phí năm học 2023 - 2024

thứ tư, 2/8/2023 09:47 GMT+07
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi.
Nghị định 81/2021/NĐ-CP được điều chỉnh theo hướng không tăng học phí năm học 2023-2024 (Ảnh: baochinhphu.vn). Nghị định 81/2021/NĐ-CP được điều chỉnh theo hướng không tăng học phí năm học 2023-2024 (Ảnh: baochinhphu.vn).

Qua đó, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023 - 2024; trình Chính phủ trước ngày 08/8/2023.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2023.

Trong tháng 7, HĐND nhiều tỉnh, thành đã họp và thông qua mức học phí năm học 2023 - 2024. Mức này căn cứ theo khung học phí năm học 2022 - 2023 của Chính phủ tại Nghị định Nghị định 81/2021/NĐ-CP, dao động 50.000 - 650.000 đồng một học sinh một tháng, mỗi năm được điều chỉnh nhưng không được tăng quá 7,5%.

Theo nghị định 81/2021, mức trần học phí mới với giáo dục mầm non và phổ thông sẽ được áp dụng từ năm học 2022-2023, dao động 50.000-650.000 đồng một tháng, một học sinh, tùy theo địa bàn và cấp học. Với khung này, nhiều địa phương đã đưa ra mức học phí mới, tăng nhiều lần so với năm học trước. 
Vì vậy, cuối tháng 12-2022, việc tăng học phí phải dừng do yêu cầu của Chính phủ nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên, gia đình thu nhập thấp, kiểm soát lạm phát. 
Tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan ngày 10-5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng tăng học phí mầm non, giáo dục phổ thông công lập là vấn đề có tác động xã hội rất lớn. Việc này phải được tính toán, triển khai một cách căn cơ, bài bản, tổng thể, trên tinh thần nhân văn.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá kỹ tác động để có chính sách học phí phù hợp với khả năng đóng góp, chi trả của người dân; đồng thời có chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn, yếu thế để không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của nhóm này.
Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục sẽ không giảm. Với việc thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa ở những địa bàn thuận lợi, ngân sách nhà nước tập trung cho học sinh thuộc diện chính sách, khó khăn, yếu thế.