1. Trang chủ /
  2. SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: Việc vô cùng hệ trọng

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: Việc vô cùng hệ trọng

thứ ba, 9/8/2022 12:27 GMT+07
(PLM) - Liên tục nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đất đai hiện hành là việc vô cùng hệ trọng và rất khó khăn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải triển khai tích cực, bài bản, khoa học. Việc trình Dự thảo Luật lần thứ nhất ra Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng khi xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật này là bảo đảm tính thông suốt, công khai, minh bạch.

Dự án Luật rất lớn, quy mô rộng, tác động sâu

Báo cáo tại buổi làm việc của lãnh đạo Quốc hội và Thường trực các cơ quan của Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai vào chiều 8/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW, các nghị quyết, kết luận khác để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phát huy nguồn lực đất đai và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và thi hành Luật Đất đai.

Trong quá trình xây dựng Dự án Luật, Bộ cũng đã chủ động rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai để đề xuất sửa đổi ngay trong Luật này hoặc đề xuất sửa đổi các Luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Trước khi lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động mới đây, Bộ TN&MT đã tiếp thu ý kiến góp ý của 63 tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, làm việc với các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Nội vụ. Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ nêu rõ, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là Dự án Luật rất lớn, hệ trọng, quy mô rộng, tác động sâu đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, tổ chức. Với vị trí vai trò đó, thời gian qua, công tác chuẩn bị cho việc xem xét cho ý kiến đối với Dự án Luật này đã được tiến hành khẩn trương, trách nhiệm.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, QH khóa XV và dự kiến xem xét thông qua theo quy trình 3 kỳ họp, phấn đấu trong năm 2023 hoàn tất sửa đổi Luật Đất đai.

Tiếp tục vào cuộc từ sớm, từ xa

Chủ tịch QH nêu rõ, tiếp tục với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), tại buổi làm việc này, lãnh đạo QH và Thường trực các cơ quan của Quốc hội cùng với Bộ TN&MT trao đổi tổng thể cho việc triển khai công tác xây dựng pháp luật liên quan đến Dự án Luật.

Chủ tịch QH đề nghị: Một là, Dự án Luật Đất đai rất hệ trọng nên phải xây dựng đúng yêu cầu của Luật, tuân thủ tiến độ chuẩn bị Dự án Luật, Chính phủ trình hồ sơ Dự án Luật tới Ủy ban Kinh tế, UBTVQH, các cơ quan của QH trước ngày 1/9 để nghiên cứu, cho ý kiến tại phiên họp UBTVQH. Hai là, về hồ sơ Dự án Luật, Chủ tịch QH đề nghị Bộ TN&MT dày công hơn nữa trong xây dựng báo cáo đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, môi trường kinh doanh..., báo cáo rà soát hệ thống pháp luật liên quan và dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, Chủ tịch QH nhắc lại tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương là năm 2023 không chỉ hoàn thành Luật Đất đai sửa đổi mà còn hoàn thành điều chỉnh luật pháp liên quan. Ba là, về tổ chức tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến về Dự án Luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch QH lưu ý trong bối cảnh thời gian không có nhiều, đòi hỏi phải có kế hoạch hợp lý, tận dụng hiệu quả thời gian khi thảo luận cho ý kiến về các nội dung của Dự án Luật.

Chủ tịch QH cho rằng còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong hoàn thiện Dự án Luật, các cơ quan không được sớm chủ quan, phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân trong hoàn thiện Luật. Bốn là, về các nội dung lớn của Dự thảo Luật, Chủ tịch QH đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp rà soát, đánh giá kỹ lưỡng từ cơ sở pháp lý, thực tiễn tới thực trạng, xu hướng để xác định rõ các vấn đề này

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 221 ra ngày 9/8/2022)