1. Trang chủ /
  2. SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG: Tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng

SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG: Tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng

thứ hai, 1/8/2022 16:35 GMT+07
(PLM) - Chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh yêu cầu trong việc tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi số hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp, để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần đảm bảo minh bạch tài sản, bảo đảm sự ổn định của xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì Hội đồng thẩm định

Phát triển hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa

Với việc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, đội ngũ công chứng viên (CCV) và tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) ở nước ta đã và đang phát triển với tốc độ khá cao (số lượng CCV tăng 2,7 lần, số lượng TCHNCC tăng hơn 2 lần so với thời điểm Luật Công chứng năm 2014 bắt đầu có hiệu lực thi hành). Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng đội ngũ CCV cũng có những tiến bộ đáng kể, quy mô và tính chuyên nghiệp của các TCHNCC cũng được nâng cao.

Trong 07 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, các TCHNCC trên cả nước đã thực hiện hơn 41 triệu việc công chứng; tổng số phí công chứng thu được hơn 13 nghìn tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 2 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 2,3 nghìn tỷ đồng. Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình luân chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng thông qua việc giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực

hiện các giao dịch liên quan.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 đã cho thấy hoạt động công chứng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục, như: trình tự, thủ tục công chứng còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người yêu cầu công chứng; hoạt động công chứng chưa bắt kịp tiến bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi số; Công tác quản lý nhà nước, tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc đồng thời tồn tại việc công chứng, chứng thực đối với các giao dịch, hợp đồng nhưng có quy định khác nhau về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện công chứng, chứng thực, có nguy cơ tạo rủi ro cho việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, hợp đồng được công chứng, chứng thực. Vì vậy, việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế là rất cần thiết.

Phát triển các tổ chức hành nghề công chứng phù hợp với nhu cầu

Về cơ bản, Luật Công chứng (sửa đổi) vẫn giữ nguyên một số quy định đang phát huy tác dụng trong thực tiễn về CCV, TCHNCC, trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, quản lý nhà nước về hoạt động công chứng. Dự kiến Luật sẽ sửa đổi, bổ sung 44 điều, bổ sung mới 3 điều trên tổng số 84 điều. Luật Công chứng (sửa đổi) tập trung giải quyết 5 nhóm chính sách lớn.

Cụ thể là: Xác định lại khái niệm, nội hàm hoạt động công chứng, hành nghề công chứng và phạm vi thẩm quyền của CCV đúng với vai trò, bản chất của hoạt động này; Xây dựng đội ngũ CCV và nhân viên nghiệp vụ có chất lượng cao, có số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển bền vững.

Phát triển các TCHNCC phù hợp với nhu cầu, số lượng và sự phân bố CCV, có mô hình tổ chức hoạt động phù hợp với tính chất của hoạt động công chứng và yêu cầu thực tiễn, có đủ năng lực để thực hiện tốt chức năng hỗ trợ quá trình hành nghề của CCV.

Quy định linh hoạt hơn về trình tự, thủ tục nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của hoạt động công chứng nội dung; tạo lập nền tảng pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng phù hợp với xu thế và yêu cầu của thời kỳ mới; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng, phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Kết luận phiên họp của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công chứng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh việc rà soát, hoàn thiện các pháp luật về công chứng đảm bảo đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật khác có liên quan; nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ cũng như tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, ý kiến của ban, bộ, ngành các địa phương, các hiệp hội công chứng.

Về nội dung của các nhóm chính sách, Thứ trưởng yêu cầu phải nêu giải pháp thực hiện được mục tiêu của các chính sách đó; phải thể hiện được sự đồng bộ về mặt tiếp cận, chỉ rõ các vấn đề thực tiễn, hiện trạng, quy định hiện hành, hệ thống pháp luật, mô hình quốc tế; thực hiện chủ trương phát triển TCHNCC ở mọi miền, khu vực, địa bàn theo hướng linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.

Về hình thức công chứng trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh yêu cầu trong việc tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi số hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp, để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần đảm bảo minh bạch tài sản, bảo đảm sự ổn định của xã hội.

 (Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 213, ra ngày 01/8/2022)