Sức khỏe ca nhiễm cúm A/H9 và 15 người tiếp xúc gần
Công bố kết thúc ổ dịch cúm A/H9
Trước đó ngày 1/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang tiếp nhận thông tin ca bệnh cúm A/H9 từ Viện Pasteur TP HCM, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Sau đó CDC Tiền Giang đã phối hợp Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, UBND xã Tân Lý Đông, TTYT xã Tân Lý Đông, Phòng Dịch tễ thuộc Chi cục Thú y vùng VI, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tiến hành xác minh thông tin ca bệnh, điều tra dịch tễ và tiến hành các biện pháp xử lý ổ dịch theo đúng quy định.
Theo báo cáo ngày 10/4 của CDC Tiền Giang, ổ dịch cúm A/H9 đã được kiểm soát trong thời gian 21 ngày qua, không phát sinh lây lan ca nghi ngờ mới và đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Do đó CDC công bố kết thúc ổ dịch Cúm A/H9N2 trên người tại xã Tân Lý Đông huyện Châu Thành.
Bác sĩ Võ Thanh Nhơn, Quyền Giám đốc CDC tỉnh Tiền Giang cho biết: CDC đã phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện các bước xác minh, điều tra dịch tễ và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý ổ dịch theo quy định. Cụ thể, đã lập danh sách 14 người lớn và 1 trẻ tiếp xúc gần với bệnh nhân và theo dõi sức khỏe hằng ngày.
Tính đến ngày 9/4, tức 24 ngày kể từ khi bệnh nhân cách ly, điều trị tại bệnh viện đến nay, 15 người tiếp xúc gần với bệnh nhân hiện có sức khỏe bình thường.
"Theo quy định của Bộ Y tế, sau khi tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn và 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi, nếu không phát sinh lây lan ca nghi ngờ mới và đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế thì công bố kết thúc ổ dịch, bác sĩ Nhơn thông tin.
Về tình sức khỏe ca mắc cúm A/H9, đến ngày 9/4, bệnh nhân vẫn đang được cho thở máy và tầm soát viêm phổi - nhiễm trùng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Khuyến cáo phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người
Sau khi phát hiện ca mắc cúm A/H9 ở người trên địa bàn, ngành Y tế Tiền Giang đã có những giải pháp nhằm chủ động phòng, chống cúm A/H9 và cúm gia cầm lây nhiễm sang người.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, đây là trường hợp mắc cúm A/H9 đầu tiên của Việt Nam từ trước đến nay. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin, từ năm 2015 đến nay, khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 ca mắc cúm A(H9N2), trong đó có 2 ca tử vong, cả 2 trường hợp tử vong này đều là các bệnh nhân có bệnh nền. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A(H9N2) lây từ người sang người.
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, thời điểm hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường chính là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng vi-rút cúm, cùng nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú. Vì vậy, thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm sang người. Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh.
Ngoài ra, ông Dương khuyến cáo người dân, cần thực hiện chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người thông qua các biện pháp như: không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy.
Khuyến khích đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ.
Khi có biểu hiện giống cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.