1. Trang chủ /
  2. Tấn công mạnh tội phạm buôn lậu, hàng giả trên địa bàn Thủ đô

Tấn công mạnh tội phạm buôn lậu, hàng giả trên địa bàn Thủ đô

thứ ba, 25/7/2023 14:05 GMT+07
Thời gian qua, Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, bắt giữ, khởi tố nhiều vụ buôn lậu, hàng giả. Trong những tháng cuối năm, các đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các địa bàn trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại...
Lực lượng chức năng bắt quả tang đối tượng vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu

Khởi tố nhiều đối tượng buôn bán hàng giả

Mới đây Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, khoảng 21h30 ngày 20/7, trong quá trình phối hợp tuần tra kiểm soát, tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Long Biên, phối hợp Công an phường Việt Hưng phát hiện và kiểm tra hành chính 1 đối tượng nam giới nghi vấn đang đứng cạnh nhiều thùng carton trước sảnh toà chung cư GH6 - CT17, tổ 14 phường Việt Hưng.

Đúng như nhận định, lực lượng chức năng ghi nhận bên trong các thùng carton có 228 “cây” thuốc lá nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất, không có tem nhập khẩu. Mỗi cây thuốc lá có 10 bao loại 20 điếu. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định có 600 bao thuốc lá điếu nhãn hiệu Yuxi; 500 bao thuốc lá điếu nhãn hiệu Mevius; 420 bao thuốc lá điếu nhãn hiệu Yunyan; 260 bao thuốc lá điếu hiệu Chunghwa và 500 bao thuốc lá điếu hiệu Double Happiness.

Lực lượng chức năng bắt quả tang đối tượng vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu

Ngay sau đó tổ công tác đã làm rõ danh tính đối tượng liên quan đến số thuốc lá trên là Vũ Công Hoàng (SN 1996, trú tại phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội). Nam thanh niên này không có nghề nghiệp ổn định.

Tại cơ quan Công an, Hoàng khai nhận nắm bắt nhu cầu sử dụng thuốc lá ngoại nên đã lên mạng xã hội tìm “mối” bán, và đã mua được số thuốc lá điếu nêu trên với giá hơn 40 triệu đồng. Nếu tiêu thụ trót lọt, Hoàng sẽ bỏ túi tiền triệu. Căn cứ tài liệu điều tra, Công an quận Long Biên đã tạm giữ hình sự đối với Vũ Công Hoàng để điều tra về hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu và tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Trước đó vào ngày 9/6/2023, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TP Hà Nội phối hợp Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy tiến hành kiểm tra một nam thanh niên đang đứng cạnh chiếc xe máy, chở 2 thùng carton có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Tại thời điểm kiểm tra, Tổ công tác phát hiện bên trong 2 thùng carton có các hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe mang nhãn hiệu Yakumi, loại 20 viên sủi/1 hộp; tổng số 285 hộp. Nam thanh niên tự khai tên là Phạm Văn Thiên (SN 1994; quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa; tạm trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội). Thiên đang chở số thực phẩm chức năng trên đi giao cho khách hàng.

Trong quá trình kiểm tra, nam thanh niên không cung cấp được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Qua đấu tranh, Thiên trình bày số hàng trên được anh ta đặt làm giả để bán nhằm hưởng lợi nhuận chênh lệch.

Theo lời khai của đối tượng, Thiên đặt làm giả số thực phẩm chức năng với giá thành là 40.000 đồng/hộp, sau đó sẽ bán cho khách giá 55.000 đồng/hộp; Trong khi biết trên thị trường, sản phẩm này có giá bán là 790.000 đồng/hộp. Quá trình đặt làm hàng giả, Thiên đã yêu cầu nơi sản xuất phải làm mẫu mã và đóng gói theo quy cách giống như sản phẩm chính hãng để Thiên dễ giao dịch.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra làm rõ các đối tượng trong đường dây sản xuất, mua bán thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu Yakumi.

Theo báo cáo sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2023 của Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội: Các tháng đầu năm 2023, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp.

Các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã thanh, kiểm tra 12.052 vụ (tăng 14,17% so với cùng kỳ), xử lý hành chính: 11.136 vụ vi phạm (tăng 18,12% so với cùng kỳ). Trong đó: phát hiện, bắt giữ 1.801 vụ vi phạm về buôn lậu, 769 vụ vi phạm về hàng giả, 8.566 vụ vi phạm về gian lận thương mại. Khởi tố 111 vụ (tăng 52% so với cùng kỳ) đối với 122 đối tượng (tăng 15% so với cùng kỳ).

Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước: 1.558 tỷ 807 triệu đồng (tăng 36,06% so với cùng kỳ). Trong đó: Phạt hành chính 541 tỷ 312 triệu đồng (tăng 41,34% so với cùng kỳ), truy thu thuế 1.014 tỷ 758 triệu đồng (tăng 33,09% so với cùng kỳ). Tiền bán hàng thanh lý 2 tỷ 737 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 141 tỷ 764 triệu đồng.

Số thuốc lá nhập lậu

Tăng cường kiểm soát các địa bàn trọng điểm

Cũng theo Ban chỉ đạo 389 thành phố, bên cạnh phương thức, thủ đoạn các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, xuất xứ, trị giá hàng hóa... thì xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Các đối tượng không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; Mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.

Trên tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển ma túy tổng hợp, sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các loại hàng hóa có giá trị cao qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Thời gian qua, Cục Hải quan Hà Nội đã phối hợp với lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ 31 vụ, 20 đối tượng vận chuyển ma túy; tang vật thu giữ lên đến 642 kg ma túy.

Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, khởi tố nhiều vụ buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng

Trong thị trường nội địa, tình trạng kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng cấm, hàng hóa không có hoá đơn chứng từ vẫn diễn biến phức tạp. Hàng hóa vi phạm thường tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, được tiêu thụ mạnh như: thuốc lá, pháo nổ, rượu, quần áo may sẵn, đồ điện tử, sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm các loại.

Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến ở các mặt hàng như quần áo, đồ thời trang, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ tùng ô tô...

Điển hình, lực lượng Công an TP đã khám phá thành công các đường dây, ổ nhóm sản xuất hàng giả là 1.083 sản phẩm hóa chất (keo) cấy thép giả nhãn hiệu sử dụng trong ngành xây dựng; phát hiện các đối tượng kinh doanh 5.136 sản phẩm phụ tùng ô tô giả mạo nhãn hiệu Honda có giá trị hàng tỷ đồng.

Các vụ việc vi phạm về kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng đã được các lực lượng chức năng phát hiện kịp thời.

Từ thực tiễn tình hình, lực lượng chức năng cũng đã đánh giá hiện tượng các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, mua sắm trên trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện để mua bán, vận chuyển, trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng cũng diễn biến phức tạp...

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ công là lực lượng công an, quản lý thị trường trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm; chú trọng các kho hàng, bến bãi tập kết hàng hóa.

Các đơn vị tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các lực lượng chức năng; Chủ động tham mưu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền về những sơ hở, bất cập trong các văn bản pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…