TAND thành phố Hà Nội đang thụ lý vụ kiện đòi đất thì UBND thành phố phê duyệt thành đất dự án
Theo phản ánh, ngày 8/2/1956, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất cho vợ chồng ông Vũ Văn Nga và bà Hà Thị Bê, 3 thửa đất theo sổ địa bạ số 33 có tổng diện tích là 996m2. Trên thửa đất số 2 và số 3 có 5 gian nhà và công trình phụ với tổng diện tích sử dụng đất là 768m2.
Năm 1961, ông Nga và bà Bê cho Đơn vị Quân đội X30 (đơn vị tiền thân Công ty Giầy Thụy Khuê ngày nay) mượn để sản xuất mũ phục vụ kháng chiến chống Mỹ, với mong muốn góp sức vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, gia đình ông Nga nhiều lần đặt vấn đề với Đơn vị X30 đề nghị trả lại đất để gia đình sử dụng.
Lãnh đạo đơn vị này khất sẽ trả lại đất khi di dời đơn vị về nơi sản xuất mới. Tuy nhiên, sau khi hình thành Giày Thụy Khuê, đơn vị này đã không trả lại đất cho gia đình ông Nga.
Các con của ông bà Nga, Bê cho biết, gia đình đã khởi kiện vụ việc đòi đất ra Tòa án từ năm 1994.
TAND tối cao đã tuyên hủy 2 bản án sơ thẩm của TAND quận Tây Hồ và TAND thành phố Hà Nội.
Sau khi hủy án, vụ khởi kiện thuộc thẩm quyền của TAND thành phố Hà Nội từ năm 2018 cho đến nay vẫn chưa xét xử.
Tranh chấp đang được TAND thành phố Hà Nội thụ lý thì bất ngờ khu đất 768m2 tại 167 Thụy Khuê lại lọt vào dự án có tên thương mại Five Star West Lake!
Tại thời điểm chủ đầu tư khởi công dự án, gia đình đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu chủ đầu tư dừng việc xây dựng dự án. Các cơ quan có thẩm quyền vẫn để cho dự án triển khai, mà không quan tâm đến quyền lợi của người dân đang nắm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo tìm hiểu, tiền thân của Công ty Giầy Thụy Khuê ngày nay là Xí nghiệp Quân nhu X30, ra đời vào tháng 1/1957 chuyên sản xuất giày vải và mũ cứng cung cấp cho bộ đội.
Khoảng năm 1978, đơn vị X30 được chuyển thành Xí nghiệp Giầy vải Thượng Đình.
Ngày 1/4/1989 một phần xưởng của Xí nghiệp Giày vải Thượng Đình được UBND thành phố Hà Nội tách thành Xí nghiệp Giày vải Thụy Khuê, theo Quyết định số 93/QĐUB, ký ngày 07/01/1989, đến năm 1992 Xí nghiệp Giày Thụy Khuê được đổi tên thành Công ty Giày Thụy Khuê.
Trong quá trình sáp nhập, chia tách, ngày 1/7/1987 Xí nghiệp Giày vải Thượng Đình có đơn xin hợp thức hóa đất tại số 152 - 167 Thụy Khuê.
Ngày 5/10/1987, UBND thành phố Hà Nội có công văn số 4190 gửi Xí nghiệp Giày vải Thượng Đình với nội dung: “Khu đất xí nghiệp dự kiến xin hợp thức nằm trong quy hoạch trung tâm thành phố, song để đáp ứng yêu cầu trước mắt cho các công trình hợp tác với Liên Xô, UBND đồng ý để cho xí nghiệp được sử dụng tạm thời khu đất nói trên, tổ chức cơ sở sản xuất, diện tích đất sử dụng thửa số 152 diện tích 7345m2 và thửa 167 diện tích 2522m2 với điều kiện sử dụng tạm thời trên công trình hiện có, không xây mới, khi thành phố quy hoạch đến phải di chuyển không điều kiện”.
Ngày 27/6/1998 UBND thành phố Hà Nội đại diện là Sở Địa chính đã ký hợp đồng thuê đất số 76-245-98/ĐC-HĐTĐ đối với Công ty Giày Thụy Khuê. Diện tích đất cho thuê là 2672m2. Mục đích để sản xuất theo tờ khai sử dụng đất số 037 ngày 5/7/1996 của Công ty Giày Thụy Khuê theo Chỉ thị 245/TTg ngày 22/4/1996 sơ đồ và bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500 do công ty khảo sát đo đạc lập tháng 11/1997 được kèm theo hợp đồng. Thời hạn thuê 20 năm kể từ ngày 1/1/1996.
Ngày 18/11/2002, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 155/2002/QĐ-UB chấp thuận Công ty Giày Thụy Khuê và Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế đầu tư ký hợp đồng liên doanh để cùng thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch khu đất có diện tích 2.665,54,2m2 tại địa chỉ 167 Thụy Khuê.
Sau đó 4 năm, Công ty Giày Thụy Khuê xin rút khỏi liên doanh và chuyển giao cho Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế làm chủ đầu tư nghiên cứu lập dự án tổ hợp công trình văn phòng làm việc kinh doanh thương mại dịch vụ căn hộ cao cấp và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận trên nguyên tắc đề nghị của công ty. Theo đó, công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế phải thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Công ty Giày Thụy Khuê.
Ngày 9/9/2011, UBND thành phố Hà Nội có quyết định thu hồi và giao đất cho Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế đầu tư.
Đến năm 2017 tiếp tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CI402594 đối với thửa đất nêu trên.
Sau đó, Sở Quy hoạch kiến trúc phê duyệt bản đồ 1/500, đồng thời cấp giấy chứng nhận đầu tư và Công ty Quan hệ Quốc tế cũng đã nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất.
Năm 2018, Công ty Quan hệ Quốc tế đã hoàn thiện các thủ tục cần thiết và triển khai dự án. Hiện nay, dự án đã hoàn thành và đi vào sử dụng.
Các hộ gia đình tranh chấp đất tại số 167 Thụy Khuê (con cháu của ông, bà Nga) cho rằng, Nhà nước muốn giao đất của người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Nhà nước phải có quyết định thu hồi đất. Gia đình đã kiện đòi đất đến nay đã 28 năm hiện nay vụ án vẫn đang được tòa án thành phố Hà Nội thụ lý.
Trong quá trình giải quyết vụ kiện, tòa án đã có nhiều văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Tây Hồ, UBND phường Thụy Khuê đề nghị xác định nguồn gốc và vị trí của thửa đất nằm trong diện tích mà dự án thực hiện thì đều được trả lời không có các tài liệu liên quan để xác định vị trí hiện tại của khu đất.
Trong khi đó, gia đình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chủ tịch thứ nhất của UBND thành phố Hà Nội xác nhận, gia đình đã đề nghị TAND thành phố Hà Nội áp dụng các biện pháp ngăn chăn để không gây ra hậu quả nghiệm trọng về sau, tuy nhiên gia đình không nhận được sự phản hồi từ tòa án thành phố.
Bà Trần Thị Hải Yến, người đại diện bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân tranh chấp tại số 167 Thụy Khuê cho biết, gia đình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó là căn cứ để áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời, nhưng không nhận được sự phản hồi của TAND thành phố Hà Nội.
Việc đủ căn cứ để TAND thành phố Hà Nội áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm thời nhưng không áp dụng, để dự án tiếp tục triển khai, khi tranh chấp chưa được làm sáng tỏ, hậu quả đến nay là không thể khắc phục được nếu gia đình ông bà Nga đòi đất là đúng.
Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận thanh tra số 1183/TB-TTCP về sai phạm dự án bất động sản khi chuyển đổi từ đất của Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, sang mục đích khác, trong đó, có nhắc đến dự án Five Star West Lake - 167 Thụy Khuê. Dự án này không thực hiện đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) nên ngân sách Nhà nước thu được thấp.