1. Trang chủ /
  2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hợp tác quốc tế về pháp luật

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hợp tác quốc tế về pháp luật

thứ sáu, 11/8/2023 19:53 GMT+07
Chiều 10/8, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị định quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp (thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ) với sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp thẩm định.

Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: Sau 8 năm thi hành Nghị định số 113/2014/NĐ-CP, công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật được tăng cường, đi vào nền nếp; hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương bám sát, phù hợp với định hướng, nguyên tắc của Đảng và Nhà nước. Từ đó hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật và tư pháp. Trình độ hiểu biết và kỹ năng của các chuyên gia pháp luật Việt Nam cũng được nâng lên đáng kể, tiếp cận được với những kiến thức, kinh nghiệm quốc tế phục vụ công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Hữu Huyên khái quát một số thông tin tại cuộc họp.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Hữu Huyên khái quát một số thông tin tại cuộc họp.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thi hành Nghị định số 113/2014/NĐ-CP còn có một số hạn chế, vướng mắc như: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng chưa cụ thể; quy trình, thủ tục thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp bị trùng lắp hoặc không còn phù hợp…

Vì vậy, việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP là cần thiết để đảm bảo cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật. Trong đó chú trọng thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền trong hoạt động xây dựng pháp luật; qua đó thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự và phòng ngừa những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn có thể có trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Đào Quý Lộc trình bày nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Đào Quý Lộc trình bày nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định.

Dự thảo Nghị định được bố cục thành 4 Chương, 16 Điều. So với Nghị định số 113/2014/NĐ-CP, dự thảo Nghị định giảm 2 Chương và 12 Điều; có 7 Điều mới, 9 Điều được điều chỉnh căn bản nội dung.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến cụ thể các nội dung của dự thảo Nghị định như: phạm vi điều chỉnh; các nguyên tắc, nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp; quy trình và cách thức quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp; trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ....

Tổng hợp các ý kiến của thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá nội dung dự thảo Nghị quyết phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước; cơ bản thể chế hóa được các nội dung của Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09/12/2009 của Ban Bí thư, Kết luận số 73-KL/TW ngày 20/5/2020 của Ban Bí thư, Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 22/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 73-KL/TW; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp.

Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật; điều chỉnh ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo cho phù hợp.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận cuộc họp thẩm định.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận cuộc họp thẩm định.

Về các nội dung cụ thể, Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung thêm các căn cứ, cơ sở chính trị, pháp lý của Nghị định; làm rõ đối tượng điều chỉnh; bổ sung một số nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp để phù hợp với Chỉ thị số 39-CT/TW.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, đối với nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, chỉ lựa chọn các nội dung hợp tác mà Việt Nam chưa có kinh nghiệm và có nhu cầu thực tế; đồng thời cần ưu tiên, chủ động lựa chọn các đối tác nước ngoài tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, ưu tiên phát triển hợp tác với các đối tác dài hạn, bền vững.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, Thứ trưởng đề nghị bổ sung thêm các quy định về hợp tác đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật.