Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU ngày 16/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội" năm 2023.
Ảnh minh họa
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, tổ chức Đảng, các địa phương, cơ quan, đơn vị của thành phố; Chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, đôn đốc giải quyết vụ việc khiếu kiện nổi cộm, phức tạp, kéo dài, còn tồn đọng, tiềm ẩn gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để giải quyết triệt để, kịp thời ngay từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ; Xem xét trách nhiệm của những nơi để xảy ra “điểm nóng”, chậm giải quyết các vụ việc dân sinh bức xúc, nổi cộm.
Việc tăng cường sự lãnh đạo nhằm nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, đơn vị, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ tổng kết, đánh giá, báo cáo theo quy định. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, lãnh đạo các cấp, thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo xem xét, giải quyết.
Thành phố cũng tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, nhà ở, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng, thu chi tài chính, ngân sách, quản lý tài sản công, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi; Tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai; Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật, các trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước thuộc phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách nhằm ngăn ngừa, hạn chế phát sinh các vụ khiếu nại, tố cáo; Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; Tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân để xem xét, giải quyết ngay từ cơ sở, khi mới phát sinh.
Thành phố yêu cầu thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, tham mưu và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phân định rõ chức năng nhiệm vụ, cơ chế phối hợp; Bố trí cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ nghiệp vụ, khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để người dân hiểu và chấp hành pháp luật; Bố trí trụ sở, trang bị phương tiện và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, các đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp; Nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, tham mưu, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Giải thích, hướng dẫn công dân, giúp người dân hiểu rõ, thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
Phát huy vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông trong vai trò định hướng dư luận, thông tin chính xác về triển khai thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông đô thị, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư giao đất dịch vụ, quản lý chợ, chính sách về đất đai... tạo sự ủng hộ của Nhân dân trong triển khai thực hiện các dự án lớn trên địa bàn thành phố.