Tăng giá điện từ ngày 4/5: Mỗi hộ dân phải trả thêm bao nhiêu tiền?
Chiều 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí để trao đổi thêm thông tin về việc điều chỉnh giá điện vừa được đưa ra.
EVN: "Tác động không đáng kể"
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023.
Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Đây là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình Bộ Công Thương xem xét trước đó.
Hiện nay, trong cơ cấu các khách hàng sử dụng điện, có khoảng 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng khách hàng sẽ phải trả thêm 141.000 đồng.
Với 1,822 triệu hộ sản xuất, bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất phải trả 10,6 triệu đồng tiền điện. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng, mỗi hộ sản xuất sẽ trả thêm 307.000 đồng.
Có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng hành chính sự nghiệp trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng mỗi khách hàng này sẽ trả thêm là 40.000 đồng.
Với các hộ tiêu thụ, theo tính toán từ EVN, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
Những căn cứ để EVN điều chỉnh giá điện
Trước đó, ngày 3/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 1.826,22 đồng/kWh, mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
Theo Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg), hằng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối-bán lẻ điện, điều hành-quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.
Căn cứ trên khung giá được Thủ tướng Chính phủ ban hành cùng kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2022, EVN đã có các văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.
Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thực hiện theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay trước tác động của các biến động trên thế giới và các yếu tố cung-cầu trên thị trường, giá các loại nhiên liệu cung ứng cho sản xuất điện như là than, xăng dầu, khí đều tăng rất cao so với trước, dẫn đến giá điện ở nhiều nước tăng khá cao. Chi phí nhiên liệu mà ngành điện phải nhập khẩu để sản xuất điện cũng tăng theo giá thế giới, do đó đã làm cho chi phí phát điện tăng theo.
Về cơ cấu chi phí mua điện năm 2022, chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 47,9%, từ thủy điện chiếm 20,9%, từ nhiệt điện khí chiếm 12,7%, từ năng lượng tái tạo chiếm 17,1% và phần còn lại từ nhập khẩu và nhiệt điện dầu chiếm 1,4%.
Cơ cấu nguồn điện phát từ nhiệt điện (than, khí) chiếm tỷ trọng cao dẫn đến chi phí mua điện cao hơn so với thông số tính toán giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.
Tăng giá điện giúp EVN giảm bớt khó khăn tài chính
Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN: Thời gian qua, giá điện đã được Chính phủ, bộ, ngành và EVN nỗ lực giữ trong 4 năm.
Ngoài ra, EVN đã thực hiện 5 đợt hỗ trợ giảm tiền điện (tổng số tiền hỗ trợ giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong 5 đợt là khoảng 15.234 tỷ đồng) nhằm giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp bởi ảnh hưởng của COVID-19 và khó khăn của nền kinh tế.
Tuy vậy, chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng trong khi giá bán điện bình quân hiện hành giữ nguyên từ năm 2019 cho đến nay đã làm cho giá không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến ngành điện gặp khá nhiều khó khăn. Sản xuất kinh doanh bị lỗ là điều không tránh khỏi.
"Mức tăng giá này phần nào giảm bớt khó khăn tài chính của EVN. Cụ thể, trong 8 tháng còn lại của năm 2023 này, doanh thu của EVN sẽ tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng," Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam trình bày.
Liên quan đến những tác động của việc tăng giá điện với CPT, ông Nam phân tích: Trên tính toán, nếu tăng giá điện 5% sẽ làm CPI tăng 0,17%, vì vậy, việc tăng giá 3% sẽ có tác động lên CPI rất nhỏ.
Tăng giá điện chỉ là một trong các giải pháp giảm thiểu khó khăn tài chính của EVN và EVN cũng đã có các giải pháp nội tại như: tiết giảm chi phí; tiết kiệm điện và huy động tối đa các nguồn điện có giá thành rẻ.
Bên cạnh đó, EVN cũng sẽ làm việc với các nhà cung ứng nhiên liệu khí, than… chia sẻ khó khăn, có thể giảm giá bán đầu vào để giảm thiểu chi phí. Cùng với đó, đàm phán các nhà đầu tư có nguồn năng lượng như năng lượng tái tạo để có đảm bảo hài hòa lợi ích EVN và chủ đầu tư. Tập đoàn cũng sẽ báo cáo Chính phủ hỗ trợ liên quan đến các chi phí đầu vào.
"Bằng các giải pháp tổng thể, EVN sẽ giảm thiểu khó khăn tài chính rất nhiều. Trong điều kiện nhiều năm nắng nóng, nguồn nước thủy điện, giá nhiên liệu tăng cao, EVN vẫn đảm bảo đủ điện cho đất nước," ông Nam nói.
Đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, thời gian qua, EVN đã đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền tiết kiệm điện và thực hiện triệt để các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm. hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện điều chỉnh phụ tải tự nguyện phi thương mại tại khu vực phía Bắc, đặc biệt trong các tháng từ tháng Năm đến tháng Tám.
Cụ thể, trong chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR), Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã ký kết thỏa thuận với trên 97% khách hàng sử dụng điện với sản lượng dưới 3 triệu KWh/năm; ký kết thỏa thuận với trên 94% khách hàng sử dụng điện với sản lượng trên 3 triệu KWh/năm; phối hợp xây dựng môđun dự báo phụ tải đối với nhóm khách hàng có sản lượng sử dụng điện khoảng 1 triệu KWh/năm.
Trong năm 2022, chỉ riêng Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đã tiết kiệm được 554 triệu kWh, chiếm 2,04% sản lượng điện thương phẩm...
Năm 2022, EVN đã tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn, nhờ đó tiết giảm chi phí hơn 9.700 tỷ đồng; thực hiện các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền, đạt hơn 7.900 tỷ đồng; vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy điện có chi phí thấp, giúp giảm chi phí mua điện gần 15.845 tỷ đồng…
Tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí là 33.445 tỷ đồng./.