1. Trang chủ /
  2. Tạo động lực để Thủ đô tăng tốc phát triển

Tạo động lực để Thủ đô tăng tốc phát triển

thứ ba, 1/8/2023 22:19 GMT+07
Sáng 1/8, Trường Đại học Luật Hà Nội, Đảng uỷ khối các Trường Đại học Cao đẳng Hà Nội và Sở Tư pháp Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự hội thảo có Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn – Phó Trưởng Ban soạn thảo; Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn và 350 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương; thành viên Ban Soạn thảo dự thảo Luật Thủ đô.

Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng, học viện và đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phát biểu dẫn đề hội thảo, Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cho biết, Luật Thủ đô hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, tình hình kinh tế chính trị thế giới, khu vực và trong nước có nhiều thay đổi nhanh chóng, với rất nhiều vấn đề mới đặt ra đã vượt qua các quy định hiện hành.

Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn phát biểu dẫn đề Hội thảo.
Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn phát biểu dẫn đề Hội thảo.

Đặc biệt, đón nhận tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội phải là Thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên khu vực và thế giới.

“Để đạt được mục tiêu này thì việc hoàn thiện thể chế mà trọng tâm then chốt là hoàn thiện Luật Thủ đô là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là cơ hội để Thủ đô của chúng ta bứt phá phát triển”, ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên nhấn mạnh, Trường đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò là cơ sở đào tạo, nghiên cứu pháp luật hàng đầu Việt Nam. Hội thảo này có ý nghĩa quan trọng, là dịp để các thầy cô của nhà trường cùng các chuyên gia, nhà khoa học phân tích, làm rõ hơn thực tiễn và luận cứ khoa học về các chính sách được cụ thể hoá trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Luật tiếp tục xem xét, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên phát biểu tại Hội thảo.
Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên phát biểu tại Hội thảo.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ về việc hoàn thiện thể chế trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng để phát triển Thủ đô Hà Nội là yêu cầu bức thiết hiện nay. Đồng thời với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhu cầu hình thành các đô thị vệ tinh cũng mang tính tất yếu khách quan để phát triển Thủ đô trong tương lai.

TS Chu Mạnh Hùng nhấn mạnh vấn đề đô thị vệ tinh trong Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Ông Hùng nêu, điều kiện địa lý - tự nhiên, đặc trưng lịch sử văn hóa quyết định tới đặc trưng chức năng lãnh thổ của đô thị Hà Nội. Theo đó, Hà Nội - đô thị có chức năng trung tâm tổng hợp quốc gia và chức năng chuyên biệt là trung tâm chính trị - hành chính của đất nước, trung tâm lớn về văn hóa.

TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo.
TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo.

Vì vậy, Hà Nội chịu tác động của hệ thống quản lý theo trục dọc và trục ngang; đồng thời Thủ đô Hà Nội là điển hình cho sự tương tác giữa Trung ương và địa phương, trung tâm và ngoại vi. Đặc trưng này là cơ sở để Đảng chủ trương và thể chế trong Dự thảo Luật Thủ đô về “Đô thị vệ tinh”. Bên cạnh đó, ông Hùng cũng nêu ý kiến, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế 2 điều mới (Điều 14, Điều 15) quy định về HĐND, UBND và Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Để đảm bảo tính hiện thực, hiệu lực, hiệu quả của Điều 14, Điều 15 trong tương lai cần phải đồng bộ hóa một số điểm như: Mô hình, nguyên tắc tổ chức chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội phải được tổ chức theo mô hình phân quyền; thành phố thuộc Thủ đô là điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của Hà Nội, hình thành thành phố thuộc thành phố đồng thời với việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng TOD…

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí việc sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết để giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế, bất cập hiện nay, đồng thời tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô.

Hội thảo đã nhận được 74 tham luận và lựa chọn 11 tham luận trên 9 nhóm chính sách lớn trình bày trực tiếp tại Hội thảo, chia thành 2 phiên thảo luận chính, trong đó, phiên 1 gồm 7 tham luận và phiên 2 gồm 4 tham luận.

Các tham luận, góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 vấn đề như: Vị trí, vai trò, tầm vóc của Thủ đô trong xây dựng và phát triển đất nước; tính đặc thù vượt trội, vượt trước trong luật để Thủ đô phát triển; sứ mạng tầm nhìn chiến lược trong các chính sách Luật Thủ đô; bổ sung vào Luật để huy động được mọi nguồn lực của Hà Nội và cả nước trong lĩnh các lĩnh vực…

Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên điều hành Hội thảo.
Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên điều hành Hội thảo.

Những nội dung này cần bổ sung những điểm nào vào luật để huy động được mọi nguồn lực của Hà Nội và cả nước, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thu hút sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát huy tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong quy hoạch và quản lý đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giao thông, phát triển nông nghiệp nông thôn... Đây là những luận cứ khoa học xác đáng đưa thực tiễn của cuộc sống vào luật.