Tạo thuận lợi cho công dân xuất cảnh, nhập cảnh
Bổ sung nhiều quy định thuận lợi cho xuất cảnh, nhập cảnh
Trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật có 3 điều. Điều 1 sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh (XNC) của công dân Việt Nam năm 2019; tập trung vào 2 nhóm nội dung, bao gồm nhóm nội dung để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý XNC trên môi trường điện tử và nhóm nội dung sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực XNC của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Điều 2 sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào 2 nhóm nội dung: nhóm nội dung sửa đổi các quy định của Luật để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài XNC Việt Nam và nhóm nội dung sửa đổi để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XNC của công dân Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc bổ sung “Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” bảo đảm phù hợp với các hiệp định biên giới của Việt Nam ký kết với các nước; bổ sung thông tin “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 9 Điều 15 về cấp hộ chiếu phổ thông trong nước, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với đề xuất bỏ điểm a, c khoản 2 Điều 15 Luật hiện hành quy định về việc trực tiếp đến nộp các loại giấy tờ chứng minh thông tin cơ bản của cá nhân và bổ sung thêm khoản 9 quy định cho phép người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông nộp hồ sơ trên môi trường điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa tối đa về thủ tục cho người dân, tiết kiệm được chi phí, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền và phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định thị thực điện tử (ký hiệu EV) có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng…
Góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Tại phiên họp, các ý kiến tán thành với việc xây dựng dự án Luật nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ XNC và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ ghi nhận hồ sơ dự án luật được chuẩn bị theo đúng quy định; đủ điều kiện để trình QH xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2023; đồng thời cho ý kiến thảo luận và thông qua tại một kỳ họp. Chủ tịch QH cho biết, hồ sơ dự án luật đề xuất 4 chính sách đều đã bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm tương thích với điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính khả thi, dự báo của nội dung chính sách, các giải pháp. Điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách được Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động tương đối toàn diện và được thể hiện tương đối đầy đủ trong dự thảo Luật.
Chủ tịch QH bày tỏ ủng hộ với việc sửa đổi Luật lần này và làm rõ xu hướng sau đại dịch, các nước trên thế giới đều cố gắng tạo điều kiện thuận lợi tối đa để phục hồi phát triển KT-XH, tạo điều kiện cho công dân nước mình và nước ngoài trong vấn đề thị thực để XNC. Cơ bản thống nhất với nội dung nâng thời hạn cấp tạm trú, nhưng Chủ tịch QH cũng cho biết, thời hạn cấp tạm trú của Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực và các nước cũng áp dụng đơn phương miễn thị thực nhiều. Do đó, cần tăng cường thị thực điện tử, gia hạn, tăng thêm các mốc thời hạn tạm trú.
Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ QH đề nghị cần làm rõ tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật nhằm khôi phục phát triển KT-XH sau đại dịch, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong và ngoài nước. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung một số quy định chuyển tiếp để không bị vướng mắc trong thực thi, xác định rõ thời gian có hiệu lực để bảo đảm cụ thể rõ ràng, nghiên cứu các điều ước quốc tế để tiếp tục bảo đảm tính thống nhất của dự án luật, bảo đảm hồ sơ dự án Luật chặt chẽ, khả thi.