Tập huấn "Thí điểm Khung mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng" tại Hoà Bình
Hội nghị tập huấn trong 02 ngày (21-22/11/2023) trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp của Liên minh Châu Âu” (EU JULE). Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình, TS. Hoàng Xuân Châu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Bắc, chuyên gia nghiên cứu đồng chủ trì Hội nghị tập huấn; đại diện UNDP tại Việt Nam; công chức thực hiện công tác PBGDPL của một số sở, ngành của tỉnh Hòa Bình (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn Hoà Bình, Hội Phụ nữ tỉnh Hoà Bình); công chức Tư pháp các đơn vị cấp huyện và một số công chức Tư pháp – Hộ tịch trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật khẳng định, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Kết luận 80-KL/TW của Ban Bí thư và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có chỉ ra nhiệm vụ cần đổi mới công tác PBGDPL. Hiện nay, mặc dù công tác PBGDPL đã được các địa phương thực hiện thường xuyên với nhiều phương thức và kênh truyền tải khác nhau, tuy nhiên chưa có một khung mô hình mẫu để hướng dẫn tổ chức hoạt động này một cách khoa học, bài bản. Vì vậy, việc xây dựng một khung mô hình PBGDPL để tất cả các chủ thể PBGDPL ở địa phương áp dụng là điều cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL.
Trong bối cảnh đó, với sự hỗ trợ của UNDP, Bộ Tư pháp đã tiến hành khảo sát thực tiễn công tác PBGDPL tại tỉnh Đồng Tháp và Hoà Bình, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng một khung mô hình PBGDPL với tư cách là công cụ hỗ trợ cán bộ, công chức cơ sở trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá hiệu quả các hoạt động PBGDPL tại địa phương. Đồng thời, nghiên cứu cũng lựa chọn, giới thiệu một số sáng kiến, mô hình PBGDPL đang được thực hiện hiệu quả trong thực tiễn và xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng khung mô hình PBGDPL.
Trong ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị tập huấn, TS. Hoàng Xuân Châu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Bắc, chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu đã giới thiệu cụ thể với các đại biểu tham dự một số nội dung tài liệu hướng dẫn áp dụng khung mô hình PBGDPL ở cấp cơ sở, cụ thể như: Các thành phần của khung mô hình PBGDPL, bao gồm: (i) Mục đích, yêu cầu của công tác PBGDPL; (ii) Đối tượng, mục tiêu của hoạt động PBGDPL; (iii) Vấn đề, nội dung và mức độ thông tin pháp luật cần được phổ biến, giáo dục; (iv) Chủ thể tiến hành hoạt động PBGDPL; (v) Phương thức PBGDPL; (vi) Các nguồn lực bảo đảm (tài chính, cơ sở vật chất); (vii) Cơ chế giám sát, đánh giá và rút kinh nghiệm.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tích cực trao đổi, thảo luận và đưa ra ý kiến trên cơ sở những nội dung, kiến thức được chuyên gia truyền đạt. Các đại biểu tham dự được chia thành các nhóm để trao đổi, xây dựng và trình bày mô hình PBGDPL cho tình huống giả định cụ thể theo hướng dẫn của chuyên gia.
Kết thúc ngày tập huấn đầu tiên, các đại biểu tham dự đánh giá cao chất lượng công tác tập huấn; nội dung, kiến thức được chuyên gia trình bày một cách cụ thể, dễ hiểu, dễ tiếp thu thông qua phương pháp giảng dạy tương tác, cùng tham gia.
Hội nghị tập huấn là dịp để công chức làm công tác PBGDPLtrên địa bàn tỉnh Hoà Bình được nâng cao kiến thức và kỹ năng PBGDPL. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động PBGDPL tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL. Bên cạnh đó, những kết quả khảo sát, đánh giá và những góp ý được thực hiện và ghi nhận tại Hội nghị tập huấnsẽ là nguồn thông tin quan trọng triển khai hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới.