1. Trang chủ /
  2. Tập Sắc lệnh lịch sử

Tập Sắc lệnh lịch sử

thứ năm, 1/9/2022 10:58 GMT+07
(PLM) - Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2496/QĐTTg công nhận bảo vật quốc gia đối với tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 - 1946. Tập Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ Lâm thời ký và có nhiều bút tích của thành viên Hội đồng Chính phủ.

Giá trị đặc biệt

Bảo vật quốc gia gồm những tài liệu lưu trữ quốc gia là bản gốc với 117 sắc lệnh được ban hành trong quá trình hoạt động của Chính phủ Lâm thời từ ngày 20/8/1945 đến ngày 28/2/1946, nhằm kịp thời điều hành, quản lý đất nước sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thực tiễn đã khẳng định, chính việc ban hành kịp thời và đảm bảo thực thi nghiêm minh các sắc lệnh đã phát huy hiệu quả ở mức cao nhất hoạt động quản lý xã hội của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong giai đoạn từ sau ngày 02/9/1945 đến ngày 28/2/1946 (trước ngày tiến hành bầu cử Quốc hội đầu tiên của đất nước). Việc này góp phần giữ vững và phát huy những thành quả cách mạng, bảo đảm vững chắc nền độc lập vừa giành được của Nhà nước Việt Nam non trẻ, tạo tiền đề quyết định cho những bước phát triển tiếp theo của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Nội dung tập Sắc lệnh có giá trị đặc biệt liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước; gắn liền với thành quả của Cách mạng Tháng Tám và sự thành lập, hoạt động của Chính phủ Lâm thời giai đoạn 1945 - 1946; với quá trình xây dựng, củng cố chính quyền nhà nước, chuẩn bị, tổ chức cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dẫn đến sự ra đời cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất – Quốc hội Việt Nam năm 1946 và sự ra đời của bản Hiến pháp đầu tiên – Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 cũng như đối với việc giải quyết các vấn đề đối nội, đối ngoại.

Có thể kể tới một số sắc lệnh: Sắc lệnh số 1 ngày 30/8/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc cử ông Hoàng Minh Giám giữ chức Đổng lý Văn Phòng Bộ Nội vụ; Sắc lệnh số 3 ngày 01/9/1945 của Chủ tịch Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc thiết quân luật ở Hà Nội; Sắc lệnh số 4 ngày 04/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc lập Quỹ Độc lập; Sắc lệnh số 5 ngày 05/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc bãi bỏ cờ Quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam; Sắc lệnh số 06 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc cấm nhân dân Việt Nam không được đăng lính, bán thực phẩm, dẫn đường, liên lạc, làm tay sai cho quân đội Pháp; Sắc lệnh số 7 ngày 05/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc buôn bán, chuyên chở, đầu cơ, tích trữ thóc gạo trong toàn hạt Bắc Bộ... Sắc lệnh số 14 ngày 08/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc tổ chức Tổng tuyển cử đề bầu Quốc dân đại hội; Sắc lệnh số 49 ngày 12/10/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc bắt buộc các công văn, đơn từ, báo chí… phải có tiêu đề “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm thứ nhất”…

Di sản dân tộc

Hiện nay, tập Sắc lệnh được quản lý, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ. Nhận thức tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn về nhiều mặt của tập Sắc lệnh, nhằm vinh danh bảo vật quốc gia, đồng thời phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) biên soạn, phối hợp với Bộ Nội vụ, Nhà xuất bản Quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Bảo vật quốc gia - Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 - 1946”.

Cuốn sách được biên soạn theo trình tự thời gian ra đời của các sắc lệnh là những tài liệu lưu trữ quý hiếm, là di sản của dân tộc, đã và đang được gìn giữ. Tập Sắc lệnh thể hiện chính sách, biện pháp của Chính phủ Lâm thời nhằm củng cố và xây dựng chính quyền, kinh tế, văn hóa, tổ chức Nhà nước… ngay sau khi Chính phủ ra mắt quốc dân đồng bào và là minh chứng về vai trò lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một sắc lệnh trong tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 - 1946.


Trong quá trình biên soạn cuốn sách này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã sử dụng một số thông tin, tư liệu trong cuốn “Sưu tập Sắc lệnh của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945” được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III biên soạn do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2011.

Với 117 sắc lệnh được scan trên giấy ảnh, công bố dưới dạng toàn văn và phần phụ lục minh họa một số tài liệu, hình ảnh về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biên bản họp Hội đồng Chính phủ… trong giai đoạn cuối năm 1945 đầu năm 1946, cuốn sách góp phần bồi dưỡng, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân ta tiếp nối truyền thống cha anh, phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Chương trình công bố tài liệu lưu trữ quốc gia

Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước” được thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030. Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho hay, chương trình công bố rộng rãi tài liệu lưu trữ quốc gia nhằm phát huy hiệu quả giá trị tài liệu góp phần phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng ngành, địa phương, vùng miền; giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho các thế hệ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Khối tài liệu lưu trữ đồ sộ về Việt Nam sẽ được giới thiệu trong phạm vi cả nước; các quốc gia có đông người Việt sinh sống, làm việc và học tập cũng như các quốc gia có quan hệ gần gũi với Việt Nam.

Phương thức công bố tài liệu lưu trữ sẽ được đổi mới theo hướng sáng tạo, hiện đại, phù hợp xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, tích hợp, chia sẻ các dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ quốc gia. Tài liệu lưu trữ được công bố tập trung vào các nhóm chủ đề: Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam qua các thời kỳ; quan hệ quốc tế của Việt Nam; tổ chức đơn vị hành chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; các vấn đề về giáo dục đào tạo, tôn giáo, tín ngưỡng, nông thôn, nông nghiệp và nông dân, đô thị hóa và phát triển đô thị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chính sách và kết quả thực hiện các chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; các phong trào đấu tranh, các cuộc kháng chiến giành, bảo vệ độc lập dân tộc; danh nhân, nhân vật và di tích lịch sử - văn hóa Việt Nam; lịch sử phát triển các ngành nghề, lĩnh vực.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 244 -248 ra ngày 1-5/9/2022)