Tập trung nguồn lực để cải thiện, phục hồi các dòng sông cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng
Tăng cường quản lý tài nguyên nước theo quy chuẩn, tiêu chuẩn
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, có ý kiến đề nghị bổ sung một điều về bảo vệ nước mặt; ý kiến khác đề nghị tăng cường quản lý tài nguyên nước theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định về bảo vệ nguồn nước mặt, trong đó có bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt, đã được quy định riêng tại Điều 21.
Đồng thời, đã bổ sung các quy định về quản lý tài nguyên nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cụ thể như bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy tại Điều 25; việc trám lấp giếng khi không còn sử dụng và không có kế hoạch tiếp tục sử dụng để bảo vệ nước dưới đất tại khoản 1 Điều 31; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47…
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, có giải pháp phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; quy định rõ hơn về cơ chế, chính sách tài chính, đặc biệt về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân vào hoạt động phục hồi các dòng sông.
Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phục hồi nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm và cơ chế tài chính cho hoạt động này; ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm và thể hiện như tại Điều 34, Điều 73và Điều 74 dự thảo Luật.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ (Điều 79), của UBND các cấp (Điều 80), nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, từng Bộ, ngành liên quan đến tài nguyên nước để tránh chồng chéo, hiệu quả; bổ sung trách nhiệm của các Bộ liên quan đến khai thác, sử dụng nước để tránh bỏ sót trách nhiệm quản lý.
Tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ và các Bộ Tài nguyên và môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng để tránh chồng chéo về chức năng và phạm vi quản lý giữa các Bộ có liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong quản lý khai thác, sử dụng nước và thể hiện như Điều 79 dự thảo Luật.
Quy định rõ cơ chế ưu đãi để thu hút nguồn vốn phục hồi các dòng sông ô nhiễm
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn Bạc Liêu) thống nhất với quy định về việc kê khai đăng ký, cấp phép tài nguyên nước như tại dự thảo Luật. Theo đại biểu, việc cấp phép tài nguyên nước là một trong các biện pháp để quản lý, kiểm soát được hoạt động khai thác nước của tổ chức, cá nhân. Từ đó đánh giá được nhu cầu khai thác, sử dụng nước để có các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên nước phù hợp.
Đồng thời, việc cấp phép tài nguyên nước và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cũng góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên nước.
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh cho rằng, trong bối cảnh nguồn nước có nguy cơ ngày càng thiếu hụt không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì việc bổ sung đối tượng phải kê khai, đăng ký về tài nguyên nước là phù hợp.
Đại biểu nhận định, dự thảo Luật quy định lộ trình thực hiện việc kê khai thác nước dưới đất để sử dụng cho mục đích sinh hoạt được thực hiện từ ngày 1/7/2026 là phù hợp. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã giải quyết cơ bản vấn đề giao thoa, chồng chéo, tách bạch giữa quản lý tổng hợp, thống nhất về tài nguyên nước với quản lý vận hành công trình khai thác, sử dụng nước như công trình thủy lợi, thủy điện cấp nước, đô thị, nông thôn, cấp nước, công nghiệp, dịch vụ giao thông thủy.
Để hoàn thiện các quy định, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh cũng đề xuất Chính phủ cần có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký cấp phép đối với các công trình thủy lợi đơn giản, thuận lợi để nhanh chóng nắm bắt được hoạt động khai thác nước đối với các công trình thủy lợi phục vụ cho công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan đôn đốc triển khai việc đăng ký cấp phép khai thác nước của các công trình thủy lợi sau khi luật được ban hành.
Quan tâm đến vấn đề phục hồi các dòng sông đang ô nhiễm, cạn kiệt, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) cho biết, hiện nay, nhiều dòng sông, suối, kênh, rạch - vốn là nguồn cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất, tạo cảnh quan sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho người dân - đang bị ô nhiễm, nguy cơ bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng và trở thành các dòng sông chết.
Do vậy, vấn đề phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này.
Đại biểu nhận định, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm hướng tới việc bảo vệ các nguồn nước, đặc biệt là chú trọng việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt.
Đại biểu bày tỏ thống nhất với tên gọi tại Chương III dự thảo Luật, trong đó bổ sung các quy định về chức năng nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và các nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa; đặc biệt cũng có sửa đổi, bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước.
Tuy nhiên, theo đại biểu, việc phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân.
Trước tiên, phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông; nghiêm cấm các hoạt động xả rác thải và các chất thải xuống dòng sông.
Đồng thời, quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình như cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn để tiếp nước, khơi thông dòng chảy, tạo cho các dòng sông có các dòng chảy thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ứ đọng để trả lại cho các con sông khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm.
Về khó khăn về kinh phí trong phục hồi nguồn nước, đại biểu Cầm Thị Mẫn bày tỏ thống nhất với các quy định tại Điều 34 trong dự thảo Luật, theo đó, kinh phí phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được bố trí từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, đầu tư phát triển,quỹ bảo vệ môi trường, nguồn chi trả của đối tượng gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân. Tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan.
Song, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có quy định rõ cơ chế về tài chính cho hoạt động này, xem xét quy định cụ thể về cơ chế ưu đãi để thu hút nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
Trong bối cảnh nhiều dòng sông đang bị cạn kiệt, ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, các hoạt động phát triển kinh tế, môi trường, gây bức xúc trong xã hội hiện nay, đại biểu kiến nghị Chính phủ trước mắt tập trung, có giải pháp đầu tư nguồn lực để cải thiện, phục hồi các dòng sông cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là hệ thống các sông thuộc hệ thống hạ lưu của lưu vực sông Hồng…
Nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động sức mạnh toàn dân vào công cuộc bảo vệ nguồn nước, đại biểu Lý Anh Thư (Đoàn Kiên Giang) đề nghị cần quy định rõ về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ tài nguyên nước.