1. Trang chủ /
  2. Tập trung rà soát những nội dung có tác động lớn, 'kẽ hở' có thể bị lợi dụng

Tập trung rà soát những nội dung có tác động lớn, 'kẽ hở' có thể bị lợi dụng

thứ sáu, 22/9/2023 22:36 GMT+07
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh yêu cầu trên khi chủ trì Hội nghị của Chính phủ để lấy ý kiến về Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101/2023/QH15 của Quốc hội, diễn ra sáng 21/9. Các Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Trần Hồng Hà đồng chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị.

Nhiều văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo

Trình bày Báo cáo về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội (QH) tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Tổ phó thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát hệ thống VBQPPL (Tổ công tác) cho biết, tổng số VBQPPL đã được các cơ quan thực hiện rà soát là 455 văn bản; gồm 61 luật, nghị quyết của QH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, 195 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 199 văn bản khác do các cơ quan trung ương ban hành.

Trong đó, đối với 22 lĩnh vực trọng tâm và 1 lĩnh vực pháp luật khác, có 16 văn bản (bao gồm 8 luật, 6 nghị định và 2 VBQPPL cấp bộ) có quy định mâu thuẫn, chồng chéo. Có 93 văn bản (bao gồm 23 luật, 2 nghị quyết của QH, 1 pháp lệnh của UBTVQH, 43 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 23 VBQPPL cấp bộ) có quy định bất cập hoặc vướng mắc. Có 1 văn bản (luật) có quy định theo đánh giá của nhiều cơ quan là còn “sơ hở”.

Đối với nhóm lĩnh vực được các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất, có 3 văn bản (trong đó có 1 nghị định của Chính phủ và 2 Thông tư của Bộ trưởng) thuộc các lĩnh vực đất đai, môi trường có quy định bất cập, vướng mắc được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị, đề xuất.

Về Dự thảo Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, Dự thảo Báo cáo đã nêu một số mặt tích cực; chỉ ra 3 nhóm tồn tại, hạn chế và 4 nguyên nhân. Trong đó, đáng chú ý là nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, được phát hiện qua rà soát và phương án đề xuất xử lý sau rà soát còn chung chung, không rõ ràng, không cụ thể; nhiều nội dung được nêu trong các báo cáo rà soát chưa chính xác; vấn đề được cho là vướng mắc, bất cập thực chất là do cách hiểu và áp dụng pháp luật, không phải do quy định của pháp luật.

Dự thảo Báo cáo nêu 4 nhóm kiến nghị, đề xuất, trong đó lưu ý các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL và các cơ quan đơn vị liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, sử dụng kết quả rà soát tại Báo cáo này là nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ cho việc nghiên cứu, chủ động đề xuất xử lý (xác định lộ trình cụ thể) các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đồng thời, tăng cường công tác thẩm tra, giám sát của QH, các Ủy ban của QH trong việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đổi mới, hoàn thiện chế định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật; thực hiện việc giải thích pháp luật trong trường hợp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện pháp luật...

Tìm giải pháp cả trước mắt và lâu dài

Bộ trưởng Lê Thành Long (đứng bên phải) trình bày dự thảo Báo cáo tại Hội nghị.
Bộ trưởng Lê Thành Long (đứng bên phải) trình bày dự thảo Báo cáo tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, kể từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật, đã dành nhiều thời gian và nguồn lực để tổ chức chỉ đạo thực hiện. Khẳng định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã đạt được những kết quả, nhưng Phó Thủ tướng cũng cho rằng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Tại Kỳ họp thứ 5, QH đã có Nghị quyết số 101/2023/QH15, trong đó giao nhiệm vụ cho Chính phủ rà soát lại những vướng mắc, bất cập trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật đối với một số lĩnh vực. Trên cơ sở Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng và cơ quan thường trực là Bộ Tư pháp. Trong thời gian rất nhanh, rất gấp nhưng Tổ công tác đã rất tích cực, đặc biệt là vai trò của Bộ Tư pháp, đã có Dự thảo Báo cáo kết quả rà soát theo yêu cầu của QH.

Nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất là nội dung Báo cáo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Báo cáo tập trung vào phát hiện bất cập, vướng mắc về hệ thống pháp luật; phân tích, đánh giá để trên cơ sở đó đề ra giải pháp giải quyết cả trước mắt và lâu dài. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Báo cáo tập trung vào những nội dung có tác động lớn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cản trở việc huy động các nguồn lực, hay là kẽ hở có thể lợi dụng để có hành vi tham nhũng, tiêu cực.