1. Trang chủ /
  2. Tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ

Tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ

thứ tư, 15/11/2023 23:38 GMT+07
Mấy ngày qua, mưa lớn kéo dài cũng như lượng mưa từ thượng nguồn, trên các sông thuộc địa bàn Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đã xuất hiện một đợt lũ. Đặc biệt tại Thừa Thiên Huế, mực nước đang xấp xỉ đỉnh lũ năm 2022.
Mưa lớn gây ngập nhiều tuyến đường trên địa bàn trung tâm TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Minh Tân Mưa lớn gây ngập nhiều tuyến đường trên địa bàn trung tâm TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Minh Tân

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, đến 7 giờ ngày 15/1, mực nước sông Hương đang vượt báo động 3, mực nước sông Bồ gần mức báo động 3… Với mực nước như hiện nay, Thừa Thiên Huế đang xấp xỉ đỉnh lũ năm 2022.

Hàng chục tuyến đường ở trung tâm TP Huế giao thông bị chia cắt. Một số tuyến đường, như: Bến Nghé, Trần Quang Khải, Nguyễn Hữu Cảnh, Tố Hữu, Lê Hồng Phong… có nhiều đoạn ngập sâu từ 1 - 1,5 m. Lực lượng vũ trang cùng chính quyền địa phương đã tổ chức triển khai phương tiện, lực lượng kịp thời hỗ trợ những người dân ở vùng ngập lũ, neo đơn, bị bệnh… đến nơi an toàn.

Lực lượng Công an phường An Cựu, TP Huế đưa cụ già 90 tuổi bị ngập đến nơi an toàn. Ảnh: Minh Tân

Không chỉ ở tại TP Huế, mà tại các huyện vùng trũng của tỉnh Thừa Thiên Huế, như: Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang… cũng bị ngập lụt, ước có hàng chục nghìn nhà dân bị ngập sâu trong lũ.

Mưa lớn kèm gió mạnh đã khiến một số nhà dân ở ven biển thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc bị tốc mái, nhiều cây xanh ngã đổ. Trước tình hình trên, các lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương đang khẩn trương giúp người dân khắc phục, hỗ trợ. Đến sáng nay (15/11), UBND huyện Phú Lộc đã di dời hơn 100 hộ dân có nguy cơ sạt lở đất tại các xã Lộc Tiến, Lộc Bình, Lộc Điền, Lộc Trì… đến nơi an toàn.

 Công an phường Vỹ Dạ, TP Huế và chính quyền địa phương hỗ trợ 1 thai phụ đang trở dạ đến bệnh viện. Ảnh: Minh Tân

Hiện tại nước lũ đang tiếp tục dâng cao và ảnh hưởng diện rộng đến nhiều địa bàn toàn tỉnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông báo học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 15/11 cho đến khi có thông báo mới.

Đồng thời, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thông báo tạm hoãn tổ chức các hoạt động của Tuần lễ Chuyển đổi số do tình hình mưa lũ tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, dự báo từ ngày 15/11 đến 17/11, trên địa bàn tiếp tục có mưa to, mưa rất to và rải rác, lượng mưa phổ biển từ 150-300mm, có nơi trên 500mm, mực nước trên các sông duy trì ở mức cao trên báo động 3, nguy cơ ngập lụt diện rộng.

 Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và Công an huyện Phú Lộc hỗ trợ người dân qua đoạn đường ngập lụt tại Km867, Quốc lộ 1. Ảnh: Minh Tân

Trước tình hình trên, trưa ngày 15/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã có công điện hỏa tốc triển khai ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh, trong đó yêu cầu ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã và thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp ứng phó mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người dân.

Tổ chức sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực sạt lở sông, cửa sông, ven phá, ven biển, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất (chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu…) không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.

Đồng thời, các lực lượng tổ chức cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, nghiêm cấm người dân đi vào rừng, vớt củi trên sông khi có mưa lũ. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tổng lượng mưa từ chiều ngày 13/11 đến ngày 15/11 phổ biến từ 100-200mm, có nơi 300mm, một số nơi cao như Hướng Sơn 405mm, Hướng Hiệp 574mm. Từ chiều qua (14/11), trên các sông trong tỉnh đã xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu 1-3m. Đỉnh lũ ở các sông ở mức từ báo động 1 đến báo động 2, có sông trên báo động 2.

Mưa lớn gây ngập lụt cục bộ một số khu vực và tuyến đường, ngầm tràn làm chia cắt giao thông tạm thời, nhiều diện tích hoa màu bị ngập lụt cùng gia súc, gia cầm bị cuốn trôi do lũ. Thống kê sơ bộ, có trên 1.200 căn nhà và 5 điểm trường học tại địa bàn huyện Cam Lộ và TP Đông Hà bị ngập lụt.

Trong đợt mưa lũ này, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 3 người mất tích. Cụ thể, vào khoảng 18 giờ ngày 13/11, ông L.Đ.H. (36 tuổi), trú tại thôn Tân Thuỷ, xã Vĩnh Thuỷ, huyện Vĩnh Linh đi thả lưới đánh tại khu vực đập thuỷ lợi La Ngà. Đến sáng 14/11 gia đình không thấy ông H. về nhà nên đã báo chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm.

Cũng vào khoảng 9 giờ ngày 14/11, vợ chồng ông Hồ Xa Lăng và bà Hồ Thị Viên (38 tuổi) cùng trú tại thôn Hồ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa qua suối để thăm trang trại thì mất tích. Gia đình và bà con đã tổ chức tìm kiếm nhưng chưa có kết quả. Ban chỉ huy PCTT&TKVN các địa phương đã triển khai, bố trí các lực lượng hỗ trợ các gia đình tìm kiếm người mất tích.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng yêu cầu địa phương, lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm người dân bị mất tích. Ảnh: Công an Quảng Trị

Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, trong sáng ngày 15/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã ban hành công điện hỏa tốc nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, chủ động ứng phó với các hình thế thời tiết nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và hạn chế thấp nhất các thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Trong đó, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, Hướng Hóa khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với lực lượng quân đội, công an trên địa bàn khẩn trương tìm kiếm người bị mất tích. Đồng thời, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị nạn.

UBND các huyện, thị xã, thành phố thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để triển khai gia cố các tuyến đường huyết mạch, đảm bảo giao thông thông suốt, không bị chia cắt; dự trữ lương thực, thực phẩm, nguồn cung tại các khu vực bị ngập sâu và chia cắt.

Đối với các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi và thông báo kịp thời đến các thuyền trưởng, chủ phương tiện tàu, thuyền biết về thời tiết trên biển, không để tàu thuyền ra khơi khi có thời tiết nguy hiểm.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh chỉ đạo việc kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết. Đồng thời, bố trí vật tư, phương tiện nhằm kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để sẵn sàng hỗ trợ sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.