1. Trang chủ /
  2. Tem đăng kiểm giả thừa cơ “nước đục thả câu”

Tem đăng kiểm giả thừa cơ “nước đục thả câu”

thứ sáu, 24/3/2023 10:33 GMT+07
Tình trạng quá tải đang xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm khiến nhiều chủ phương tiện gặp khó khăn khi xe ô tô đến hạn đăng kiểm. Thừa cơ “nước đục thả câu”, nhiều đường dây làm giả giấy tờ ngang nhiên quảng cáo trên mạng nhận làm tem đăng kiểm giả, với những lời chào mời giá rẻ, nhận nhanh trong ngày.
Việc đặt mua và sử dụng tem đăng kiểm giả rất dễ đẩy chủ phương tiện vào vòng lao lý. Ảnh: BA

Việc đặt mua và sử dụng tem đăng kiểm giả rất dễ đẩy chủ phương tiện vào vòng lao lý. Ảnh: BA

Hiện hàng loạt trung tâm đăng kiểm tại nhiều địa phương đang phải tạm đóng cửa để phục vụ công tác điều tra. Xe phải xếp hàng dài chờ đợi 3 - 4 ngày vẫn chưa đến lượt vào dây chuyền đăng kiểm đã khiến một số chủ phương tiện chán nản, tìm đến dịch vụ làm giả giấy tờ để mong thoát cảnh chầu trực. Mặc dù tất cả các tài xế đều biết rằng việc sử dụng giấy chứng nhận đăng kiểm giả là sai quy định, lưu thông xe không đủ điều kiện an toàn là nguy cơ gây tai nạn giao thông, thế nhưng, vì dễ mua lại nhanh được việc nên không ít tài xế đã làm liều, để rồi vướng vòng lao lý khi bị lực lượng chức năng phát hiện.

Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, ngày 11/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Mạnh (32 tuổi, trú xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) và Nguyễn Đức Cương (47 tuổi, trú quận 12, TP Hồ Chí Minh) để điều tra về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Quá trình điều tra đã làm rõ hành vi của 2 lái xe này đã đặt làm giả giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của 2 xe ô tô chở khách, bị lực lượng chức năng phát hiện.

Cụ thể, tài xế Nguyễn Văn Mạnh được giao quản lý, vận hành xe khách biển số 50F-00743.

Đến ngày 17/10/2022, chiếc xe này hết thời hạn đăng kiểm.

Cùng thời gian này, việc đăng kiểm phương tiện đang được siết chặt nên Mạnh nảy sinh ý định làm giấy chứng nhận đăng kiểm giả để xe tiếp tục hoạt động kinh doanh chở khách. Mạnh lên các trang mạng xã hội tìm và đặt “hàng” bằng cách cung cấp hình ảnh giấy chứng nhận đăng kiểm, tem kiểm định và tem nộp phí sử dụng đường bộ cũ đã hết hạn sử dụng của chiếc xe cùng 2 triệu đồng chi phí.

Khoảng 2 ngày sau, Mạnh nhận được các giấy tờ đăng kiểm giả của xe khách biển số 50F-00743 có giá trị đến ngày 1/5/2023, gồm: Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và tem nộp phí sử dụng đường bộ.

Nhận được giấy tờ giả, Mạnh dán tem giả này lên kính trước của xe và sử dụng giấy chứng nhận đăng kiểm cho xe.

Đến ngày 2/1/2023, khi xe đang di chuyển trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thì bị tổ công tác Phòng 8, Cục CSGT dừng phương tiện để kiểm tra.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có dấu hiệu nghi làm giả.

Qua điều tra, nhận thấy có dấu hiệu vi phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hòa Vang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Mạnh về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Tương tự, trường hợp nói trên, do giấy chứng nhận kiểm định định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe khách hết hiệu lực, nên ngày 28/12/2022, Nguyễn Đức Cương (trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh) cũng tìm đến dịch vụ làm giả giấy tờ xe để tiếp tục lưu hành.

Qua tìm hiểu, Cương đã đặt làm toàn bộ giấy tờ đăng kiểm giả có giá trị đến ngày 2/5/2023 với giá 3 triệu đồng.

Ngày 3/1, khi xe lưu thông trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thì bị tổ công tác thuộc Phòng 8, Cục CSGT dừng phương tiện kiểm tra và phát hiện vi phạm, lập biên bản, chuyển hồ sơ cho Công an huyện Hòa Vang thụ lý điều tra.

Ngày 19/3, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4, Cục CSGT, trong quá trình làm nhiệm vụ tại km68+700 trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, hướng đi Thái Nguyên, đã phát hiện ô tô khách biển số 20B-0311X có dấu hiệu vi phạm nên đã dừng phương tiện để kiểm tra.

Qua kiểm tra, phát hiện giấy chứng nhận kiểm định đã hết hạn sử dụng từ tháng 9/2020; tem kiểm định và tem nộp phí bảo trì đường bộ không trùng khớp với giấy chứng nhận kiểm định. Lái xe N.K.C. (SN 1975, ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết phương tiện của mình hết hạn kiểm định từ lâu nên đã lên mạng xã hội để mua tem kiểm định giả với giá 1,5 triệu đồng nhằm tránh việc bị lực lượng chức năng xử lý.

Lực lượng CSGT đã lập biên bản vụ việc, bàn giao cho Công an thành phố Thái Nguyên tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thiếu tá Lê Xuân Thưởng, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ - cao tốc số 5 thuộc Phòng 8, Cục CSGT cho biết: Trong vòng thời gian ngắn, từ tháng 1/2023, đặc biệt là đầu tháng 3/2023 đến nay, các tổ công tác của đội đã phát hiện và xử lý hàng loạt trường hợp tài xế xe tải, xe khách sử dụng giấy phép lái xe giả, tem kiểm định giả để “vượt tuyến”. Trong 9 trường hợp bị phát hiện, 2 đối tượng đã bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam.

Trưởng phòng Tuyên truyền và Phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, Cục CSGT, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết thêm: Đây chỉ là 2 trong số các trường hợp đã bị lực lượng CSGT phát hiện, xử lý gần đây. Trước đó, từ 15/12/2021 đến 3/3/2023, lực lượng CSGT các đơn vị, địa phương đã phát hiện 35 trường hợp xe ô tô sử dụng giấy chứng nhận, tem kiểm định không đúng quy định, không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Qua đó, đã xử lý hành chính 9 vụ, chuyển 20 vụ sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra, giải quyết theo thẩm quyền. Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 4 vụ “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” với 6 bị can.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Quang Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: Tem đăng kiểm giả không thể qua mặt được cơ quan chức năng. Việc kiểm định xe là nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn của xe, giảm thiểu rủi ro trong quá trình lưu thông. Do vậy, hành vi mua bán hay sử dụng giấy chứng nhận, tem đăng kiểm giả là vi phạm pháp luật hình sự, phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định, với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người điều khiển phương tiện có thể bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng.