1. Trang chủ /
  2. Thảm cảnh của người dân tại Gaza: Thiếu thức ăn, nơi trú ngụ

Thảm cảnh của người dân tại Gaza: Thiếu thức ăn, nơi trú ngụ

thứ ba, 12/12/2023 08:40 GMT+07
Hàng nghìn dân thường tại Gaza đang phải trú ngụ trên đường phố trong thời tiết mùa Đông giá lạnh và hầu như không được tiếp cận với thực phẩm, nước uống hoặc các thiết bị vệ sinh.
Người dân tại một trại tạm ở Dải Gaza ngày 8/12/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân tại một trại tạm ở Dải Gaza ngày 8/12/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bà mẹ 5 con người Palestine Om Ahmed Abdel Al không chịu nhúc nhích khi các quan chức nói với bà rằng không còn chỗ trống tại một trường học của Liên hợp quốc đang được sử dụng làm nơi trú ẩn cho những người di tản ở Rafah, thị trấn ở biên giới Gaza với Ai Cập.

"Chúng tôi có thể đi đâu?" Cô hỏi. “Chúng tôi phải chuyển từ trường học này sang trường học khác, từ nơi di dời này đến nơi di tản khác và từ đau khổ đến đau khổ thậm chí còn tồi tệ hơn.”

Các quan chức Liên hợp quốc cảnh báo Rafah đang bị quá tải khi các lệnh tấn công và sơ tán của Israel đã đẩy 85% trong tổng số 2,3 triệu dân tại Gaza phải di tản xa hơn về phía Nam.

Thị trấn biên giới này là nơi xa nhất mà người dân Gaza có thể chạy trốn, nhưng biên giới với Ai Cập đã bị phong tỏa và không còn nơi nào khác để họ đi.

Hàng nghìn người đang phải trú ngụ trên đường phố trong thời tiết mùa Đông giá lạnh và hầu như không được tiếp cận với thực phẩm, nước uống hoặc các thiết bị vệ sinh.

Các quan chức viện trợ cho biết cơ sở hạ tầng tại Rafah sẽ không thể đáp ứng được lượng dân số phải di dời có thể lên tới 1 triệu người. Các trường học của Liên hợp quốc đóng vai trò là nơi trú ẩn ở Rafah đã vượt quá sức chứa gấp nhiều lần.

gaza-tham-canh-1-2925.jpg
Nam giới và những bé trai trú ngụ trong túp lều dựng tạm ở trong sân một trường học. (Ảnh: AP)

Điều kiện rất nghiêm trọng. Tại ngôi trường nơi Om Ahmed đang trú ẩn, có tới 70 phụ nữ và trẻ em gái chen chúc trong mỗi phòng, ngủ trên nệm trên sàn, trong khi nam giới và nam sinh qua đêm trong những nơi trú ẩn tạm bợ ngoài sân.

Có rất ít thức ăn, nước sạch và điện. Các gia đình nấu ăn trong những hành lang đầy khói bằng cách đốt bìa cứng hoặc gỗ từ những thân cây bị đốn hạ. Có tới 700 người sử dụng một nhà vệ sinh duy nhất, xếp hàng hàng giờ để đợi đến lượt.

“Mọi người khao khát có được một túi bột mỳ . . . nạn đói và bệnh tật rình rập mọi người,” Thomas White, Giám đốc Cơ quan Liên hợp quốc về Cứu trợ Người tị nạn Palestine (UNRWA) tại Gaza chia sẻ trên mạng xã hội X.

Liên hợp quốc cho biết việc mở rộng chiến dịch quân sự của Israel xuống phía Nam Gaza đe dọa toàn bộ hoạt động cứu trợ tại đây. Người đứng đầu UNRWA, ông Philippe Lazzarini, đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và cảnh báo tình hình nhân đạo là “không thể giải quyết được,” mô tả nhiệm vụ của cơ quan ông là “trên bờ vực sụp đổ”. Ít nhất 130 nhân viên UNRWA đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel.

Ngoài việc kêu gọi cứu trợ nhân đạo ngay lập tức, Nghị quyết của WHO yêu cầu cấp giấy phép xuất cảnh cho bệnh nhân, đề nghị cung cấp và bổ sung thuốc men và thiết bị y tế cho người dân.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc , ông Lazzarini cảnh báo: “Nếu không có nơi trú ẩn và viện trợ an toàn, thường dân ở Gaza có nguy cơ tử vong hoặc sẽ bị buộc phải đến Ai Cập và xa hơn nữa”.

Nguy cơ dòng người tị nạn tràn vào đã khiến Ai Cập cảnh giác, nước này đã nhiều lần tuyên bố phản đối điều mà nước này mô tả là kế hoạch của Israel nhằm trục xuất người Palestine vào bán đảo Sinai.

Diaa Rashwan, người đứng đầu cơ quan thông tin nhà nước, cho biết vào cuối tuần trước rằng đây là “ranh giới đỏ mà Ai Cập sẽ không cho phép vượt qua.”

gaza-tham-canh-2-7148.jpg
Hầu hết người già và trẻ em tại Gaza bị mắc bệnh hô hấp và ngoài da do thiếu điều kiện vệ sinh. (Ảnh: AP)

Ở Rafah, Om Ahmed cho biết người dân đang ở trong “tình trạng thảm khốc” không có nước và thức ăn. “Tất cả trẻ em và người già đều bị bệnh. Tất cả đều bị ho, bệnh ngoài da và bệnh dạ dày. Họ cũng không thể vệ sinh cá nhân,” cô nói.

Martin Griffiths, Giám đốc Cứu trợ của Liên hợp quốc cho biết bệnh tật cùng với xung đột đang đẩy Gaza tới “ngày tận thế.”

Một số người không thể tìm được chỗ ở các trường học của Liên hợp quốc đã cắm trại tại một công trường xây dựng bệnh viện gần đó. Khóc khi ngồi trên tấm nệm rách nát, Om Mohamed Doghmosh cho biết gia đình cô chuyển đến Rafah là lần thứ tư kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

“Chúng tôi đã không ăn nhiều ngày rồi,” cô nói. “Ba đứa con trai của tôi đã thiệt mạng và đứa thứ tư đang mất tích... Tôi mất trí rồi, tôi không thể chịu đựng được nữa.”

Theo cơ quan y tế Gaza, ít nhất 17.000 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công trên không, trên bộ và trên biển của Israel kể từ ngày 7/10./.