1. Trang chủ /
  2. Thăm di tích đền Trần Thái Bình, miền ký ức về triều đại thủa vàng son

Thăm di tích đền Trần Thái Bình, miền ký ức về triều đại thủa vàng son

thứ tư, 28/2/2024 09:32 GMT+07
Đền Trần, Tam Đường, Hưng Hà, Thái Bình chính là công trình ghi lại dấu ấn lịch sử của triều đại nhà Trần, triều đại một thủa vàng son rực rỡ trong lịch sử Việt Nam.

Đền Trần Thái Bình là một quần thể di tích bao gồm đền thờ, lăng mộ của các vị vua quan nhà Trần. Đây cũng là nơi được xem là nơi phát tích, dựng nghiệp, lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử gắn với các vị vua nhà Trần.

Đền Trần Thái Bình còn có tên gọi khác là Thái Đường Lăng, đang được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng. Hiện nay, tại Đền Trần còn lưu giữ các di chỉ khảo cổ mộ các vua Trần cũng như khu lăng mộ, đền thờ hoàng thân.

tham di tich den tran thai binh mien ky uc ve trieu dai thua vang son hinh 1
Đền Trần Thái Bình là một quần thể di tích bao gồm đền thờ, lăng mộ của các vị vua quan nhà Trần.

Lịch sử vương triều nhà Trần gắn liền với nhiều vị vua anh minh như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và những danh tướng, viên quan tài giỏi như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư…

Cách đây hơn 700 năm, Thái Bình đã là vùng đất phát tích của triều đại nhà Trần. Trong triều đại ấy, các vua Trần đã cho xây dựng một Hành cung Long Hưng để tổ chức những đại lễ mừng chiến thắng và Tam đường là nơi lưu giữ hài cốt của các vị tổ tiên triều Trần.

Khi các vị vua hay hoàng hậu băng hà thường được an táng tại quê nhà và được xây lăng miếu phụng thờ, trong đó có Thái Đường Lăng (sau này được gọi là Đền Trần). Đây là nơi an nghỉ của các vị vua đầu triều đại như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. 

tham di tich den tran thai binh mien ky uc ve trieu dai thua vang son hinh 2
Đền Trần Thái Bình được xây dựng công phu, thể hiện sự uy nghiêm, bề thế trên diện tích khoảng 5175m2, nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức.

Các hoàng hậu sau khi qua đời đều được đưa về các lăng mộ như Thọ lăng, Chiêu lăng, Dự lăng, Quy đức lăng. Ngày nay, lăng mộ ba vị vua đầu triều và dòng sông Thái Sư vẫn còn ở đó. Những di vật nằm sâu trong lòng đất đã được khai quật, giúp thế hệ ngày sau tìm lại được một thể kiến trúc lăng mộ, kiến trúc Hành cung Long Hưng vô cùng uy nghi, tráng lệ.

Đền Trần Thái Bình được xây dựng công phu, thể hiện sự uy nghiêm, bề thế trên diện tích khoảng 5175m2, nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức. Các hạng mục tại Đền Trần đã được hoàn thành là tòa hậu cung, tòa bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hóa vàng, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình liên quan.

Anh Nguyễn Tri Ân, huyện Vũ Thư, Thái Bình cho biết: “Cùng là ở quê hương chị hai năm tấn nhưng cho đến hiện tại tôi mới có cơ hội được thăm quan, khám phá di tích lịch sử nổi tiếng nhất đất Thái Bình, đó chính là đền Trần. Đây là một triều đại vang danh trong lịch sử nước ta. Ở đây, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu, ghi nhớ những kiến thức về lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử triều đại nhà Trần nói riêng. Thế hệ trẻ hiểu thêm về những hy sinh của lớp cha anh đi trước. Từ đó, thêm phần kính trọng và gìn giữ, phát huy, xây dựng đất nước".

tham di tich den tran thai binh mien ky uc ve trieu dai thua vang son hinh 3
Bố cục của các đền thường được phân chia theo trục chính, chia thành các không gian khư khu hành lễ, nội tự đền, vườn cây.


Hiện tại, kiến trúc chung của đền Trần Thái Bình có thể thành 3 cấu trúc chính gồm đền Vua thờ Thái Tổ Trần Thừa và các vua Trần; đền Thánh thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn; đền Mẫu thờ Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung, hoàng hậu và công chúa triều Trần.

Bố cục của các đền thường được phân chia theo trục chính, chia thành các không gian khư khu hành lễ, nội tự đền, vườn cây. Đền Trần kế thừa những nét đặc sắc nhất của kiến trúc đình làng, phát huy tính truyền thống dân tộc đậm đà. Ngoài ra, công trình được khởi dựng bởi sự tài hoa của những người thợ xây có tiếng cùng những loại đá được chạm trổ tinh vi, sống động, tạo nên một quần thể kiến trúc tôn lên vẻ đẹp uy linh của ngôi đền.

Đền Trần Thái Bình còn khiến du khách bất ngờ bởi 3 ngôi mộ có quy mô rộng lớn. Trong khu lăng mộ là 3 chiếc gò sừng sững uy nghi giữa cánh đồng ruộng lúa mênh mông ở làng Tam Đường. Đây là một trong những gò mộ cổ lớn nhất ở Việt Nam.

Cả ba ngôi mộ này đã được tôn tạo vào năm 2004. Đường kính của mộ lên đến 65m và cao 1,2m so với sân tế. Ngôi mộ ở giữa đặc biệt hơn với đường kính 55m vào cao từ sân tế đến đỉnh mộ 7m, giữa một có đặt chữ Trần bằng Hán tự trong một khung sắt hình chữ nhật.

tham di tich den tran thai binh mien ky uc ve trieu dai thua vang son hinh 4
Lễ hội Đền Trần Thái Bình được tổ chức từ ngày 13 đến 18 tháng Giêng Âm lịch hàng năm nhằm tôn vinh công lao dựng nước của nhà Trần trong lịch sử nước nhà, có tổ chức nhiều hoạt động rước lễ, vui chơi thú vị.

Lễ hội Đền Trần Thái Bình được tổ chức từ ngày 13 đến 18 tháng Giêng Âm lịch hàng năm nhằm tôn vinh công lao dựng nước của nhà Trần trong lịch sử nước nhà, có tổ chức nhiều hoạt động rước lễ, vui chơi thú vị.

Phần lễ nổi tiếng với lễ rước nước, lễ giao chạ, lễ tế mở cửa đền, lễ bái yết, tế mộ. Lễ rước nước là hoạt động trước khi diễn ra lễ khai hội Đền Trần. Nước phải được lấy ở ngã ba tam tỉnh nơi có sự giao thoa giữa ba dòng sông là sông Luộc, sông Hồng, sông Thái Bình rồi đổ về của biển. Lễ rước này thể hiện đặc tính đời sống gắn bó với sông nước của người dân Thái Bình. Các vị tổ tiên nhà Trần thường ghép tên mình với một loại cá như Trần Kinh nghĩa là cá kình, Trần Hấp nghĩa là cá trắm, Trần Lý là cá chép, Trần Thừa là cá nheo và Trần Thị Dung là cá ngừ.

Ngoài phần lễ mang nhiều ý nghĩa lớn lao, phần hội tại đền Trần Thái Bình sẽ rất náo nhiệt với những trò chơi sôi nổi như thi cỗ cá, chọi gà, thả diều, rước kiệu… và một loạt hoạt động khác như các điệu dân ca, dân vũ…

tham di tich den tran thai binh mien ky uc ve trieu dai thua vang son hinh 5
Ngày 27/01/2014, lễ hội Đền Trần Thái Bình được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. 

Ngày 27/01/2014, lễ hội Đền Trần Thái Bình được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. 

Ông Phạm Bá Tỉnh, người dân xã Tam Đường, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình bộc bạch: “Lễ hội đền Trần Thái Bình được gìn giữ cho đến ngày hôm nay cũng một phần là để lưu giữ lại lịch sử, văn hoá dân tộc ta, những chiến công hiển hách, oai hùng về triều đại nhà Trần, một thủa vàng son. Đây cũng là cơ hội để mọi người, nhất là thế hệ trẻ có cơ hội đến tham quan, trải nghiệm và học tập, tìm hiểu thêm về lịch sử đất nước. Từ đó, thêm tự hào về dân tộc, đất nước, phát huy những điều tốt đẹp cho muôn đời sau".


Nguồn: https://www.congluan.vn/tham-di-tich-den-tran-thai-binh-mien-ky-uc-ve-trieu-dai-thua-vang-son-post285843.html