1. Trang chủ /
  2. Thanh Hóa: Đang bị kiến nghị “cấm thầu”, vì sao vẫn được duyệt “trúng thầu”?

Thanh Hóa: Đang bị kiến nghị “cấm thầu”, vì sao vẫn được duyệt “trúng thầu”?

thứ ba, 20/6/2023 23:04 GMT+07
Dù có văn bản xác định một công ty đã “không trung thực” trong đấu thầu và đề nghị UBND tỉnh xem xét xử lý “cấm tham gia hoạt động đấu thầu” nhưng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa vẫn ra Quyết định phê duyệt chính công ty này trúng thầu một gói thầu khác, cùng lĩnh vực bảo tồn, tu bổ di tích...

Không trung thực trong hồ sơ thầu

Như Báo Công lý đã thông tin, gói thầu Tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ (gói thầu) do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư) có 2 Liên danh tham gia đấu thầu gồm: Liên danh Công ty CP Bảo tồn Di sản văn hoá kiến trúc Việt - Công ty CP Tư vấn và Đầu tư phát triển Bắc Sông Mã (Liên danh kiến trúc Việt-PV) và Liên danh nhà thầu Công ty CP Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan- Công ty CP Tư vấn thiết kế công trình văn hóa; Công ty CP Tu bổ di tích Huế; Công ty CP Mỹ thuật Trung ương; Công ty CP Tu bổ di tích Trung ương Vinaremon và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Xây dựng Thanh Hà (Liên danh kiến trúc cảnh quan-PV).

lam-kinh.jpg
Một phần Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Báo cáo với UBND tỉnh Thanh Hóa vào tháng 2/2023, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa cho biết, ban đầu cả 2 Liên danh nói trên đều đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá E-HSĐXKT các đơn vị tư vấn chấm thầu nhận thấy trong E-HSĐXKT của 2 liên da nh nhà thầu đều xuất hiện 2 nhân sự có tên là Phạm Văn Thiện và Trần Văn Tuấn, do đó đơn vị tư vấn đề nghị bên mời thầu - Chủ đầu tư làm rõ chi tiết này.

Quá trình làm rõ E-HSĐXKT các đơn vị tư vấn thống nhất đánh giá về nhân sự Phạm Văn Thiện (nêu trong hồ sơ của Công ty CP Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan) rằng: trong thỏa thuận lao động ngày 2/1/2022 đã sử dụng chữ ký của ông Phạm Văn Thiện được lấy từ file PDF” không phải là do ông Phạm Văn Thiện ký là sai quy định.

Bên cạnh đó, tại biên bản xác nhận thông tin ngày 9/12/2022 do Liên danh kiến trúc Việt cung cấp, ông Thiện cũng xác nhận: ông đang làm việc tại Công ty CP Bảo tồn di sản Kiến trúc Việt, không có bất cứ hợp đồng lao động hay thỏa thuận làm việc nào với Công ty CP Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan và chữ ký trong văn bản thỏa thuận lao động với Cty này ngày 2/1/2022 không phải là chữ ký của ông.

Ngoài ra, tại văn bản số 219/CV-TBDT&KTCQ, Công ty CP Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan cũng cho biết, hình thức cộng tác viên với ông Thiện là bằng miệng.

Do vậy, đơn vị tư vấn nhận thấy Công ty CP Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan huy động nhân sự trên là chưa có sự đồng ý của nhân sự.

Kiến nghị xem xét cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm

Từ những lý do trên, Sở VH, TT&DL Thanh Hóa cho rằng, Công ty CP Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan thuộc Liên danh Kiến trúc cảnh quan đã không trung thực, vi phạm quy định tại Điểm a, c, Khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 (hành vi gian lận) và đề nghị xử lý theo Khoản 1, Điều 122, Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (tức là “cấm tham gia hoạt động đấu thầu” từ 3 năm đến 5 năm) là chính xác.

Tuy nhiên, Sở VH,TT &DL lại cho rằng, “đang khó khăn trong việc tham mưu xử lý vi phạm trong đấu thầu đối với Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan hay xử lý vi phạm đối với toàn liên danh Kiến trúc cảnh quan” nên đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nghiên cứu, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xem xét xử lý nhà thầu vi phạm

Được tham vấn về vụ việc trên, ngày 23/2/2023, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa cho biết, nội dung này đã được Bộ KH&ĐT trả lời công dân trên Cổng thông tin điện tử của Bộ (https://www.mpi.gov.vn/Pages/t...), đề nghị Sở KH&ĐT tham khảo.

xu-phat.jpg
Quyết định của Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 2 cho Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan.

Tại trả lời trên, Bộ KH&ĐT đã nêu rõ, “trường hợp nhà thầu tham dự thầu với tư cách nhà thầu liên danh và thành viên trong liên danh vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu thì tất cả các thành viên trong nhà thầu liên danh này sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ”.

Tuy nhiên, trong Báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa lại nhận định rằng, quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về đấu thầu. Vì vậy, Sở này kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu Sở VHTT&DL khẩn trương tổ chức lựa chọn lại nhà thầu thực hiện gói thầu, đảm bảo theo quy định của pháp luật về đấu thầu; Giao Sở VHTT&DL làm việc với các bên liên quan (các nhà thầu Liên danh, nhân sự của các nhà thầu, đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu) và các đơn vị liên quan, để xác minh, làm rõ nội dung kiến nghị của Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan…

Phản đối đề xuất trên, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Gia Vũ (đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu) vẫn khẳng định việc lập và phê duyệt E-HSMT đảm bảo theo quy định của pháp luật...; đã có hành vi không trung thực, cố tình làm giả hồ sơ, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu vì Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan đã thừa nhận chữ ký nhân sự được cắt dán; việc huy động nhân sự chưa có sự đồng ý của bản thân người đó…

"Lấy đá ghè chân mình"?

Trong khi Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan đang dính vào lùm xùm trong gói thầu liên quan đến bảo tồn, tu tạo Thành nhà Hồ nêu trên thì mới đây, ngày 4/5/2023, Công ty này lại được Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng ký quyết định phê duyệt trúng thầu tại gói thầu “Tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án: Tu bổ, phục hồi, tôn tạo các hạng mục công trình Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh” với giá trị hơn 1,1 tỷ đồng

Bất thường ở chỗ, chỉ trước đó 3 tháng, tại văn bản báo cáo UBND tỉnh, chính Sở VH,TT&DL đã cho rằng, “Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan thuộc liên danh Kiến trúc cảnh quan là không trung thực, vi phạm quy định tại Điểm a, c, Khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 và đề nghị xử lý theo Khoản 1, Điều 122, Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 là chính xác”.

Thời điểm đó, Sở này chỉ “lăn tăn” ở việc xử lý “cấm thầu” đối với chỉ một Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan, hay xử lý đối với cả 4 công ty còn lại trong Liên doanh.

Thế nhưng mới đây Sở VH,TT&DL lại có quyết định cho Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan trúng thầu một gói thầu mới thì liệu có phải là “lấy đá ghè chân mình”? Tại sao Sở VHTT&DL không chờ UBND tỉnh Thanh Hóa có ý kiến chính thức về đề nghị “cấm thầu” ra sao, mà đã vội quyết cho Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan trúng thầu gói thầu mới?

Thiết nghĩ, đối với những Di sản văn hóa Thế giới và Khu di tích quốc gia đặc biệt như trên thì không thể chấp nhận có cách hành xử mâu thuẫn và vội vàng trong công tác tu bổ, phục hồi, tôn tạo...được.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về kết quả giải quyết ở những gói thầu trên.