1. Trang chủ /
  2. Thanh Hoá: Nhiều công trình trụ sở bị bỏ hoang sau khi sáp nhập

Thanh Hoá: Nhiều công trình trụ sở bị bỏ hoang sau khi sáp nhập

thứ ba, 8/8/2023 13:08 GMT+07
Tình trạng các công trình như công sở, trạm y tế, sân vận động, nhà văn hoá thôn và trường học đang bị bỏ hoang, có dấu hiệu xuống cấp, gây lãng phí, do những công trình này dôi dư sau khi sáp nhập một số đơn vị hành chính và trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Trường THPT Dương Đình Nghệ, tại huyện Thiệu Hoá sau khi sáp nhập, cũng đang bị bỏ hoang. Ảnh: Hương Trà

Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hoá có 789 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước bị dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính.

Thực hiện Nghị quyết 37/NQ-TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và Chỉ thị 12-CT/TU ngày 25/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, Thanh Hóa đã giảm 76 xã, 1.578 thôn, tổ dân phố. Việc sắp xếp này không chỉ giúp cho tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả mà còn tiết kiệm chi ngân sách.

Công sở xã Hà Lan (cũ) không sử dụng sau khi sáp nhập. Ảnh: Hương Trà

Tại một số huyện: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, Thiệu Hoá, Quảng Xương, Quan Sơn, thị xã Bỉm Sơn... nhiều công trình như công sở, hội trường, trạm y tế, sân vận động, nhà văn hóa thôn và trường học bị bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục bị hư hại và có dấu hiệu xuống cấp.

Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã tận dụng tối đa công trình dôi dư vào mục đích như làm trụ sở công an thị trấn, công an xã, khối đoàn thể...

Công sở UBND xã Nga Hưng (cũ), huyện Nga Sơn bị bỏ hoang sau khi sáp nhập. Ảnh: Hương Trà

Cụ thể như: Tại xã Quảng Phúc, năm 2018 được đầu tư trụ sở UBND xã gồm nhà làm việc 2 tầng, diện tích sàn khoảng 585m2 trên tổng diện tích đất hơn 3.000m2, với số tiền đầu tư khoảng 5,6 tỷ đồng. Thế nhưng, năm 2019, huyện Quảng Xương có 7 xã, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp thành 3 xã, thị trấn. Trong đó, sáp nhập xã Quảng Phúc và Quảng Vọng để thành lập xã Quảng Phúc. Kể từ khi sáp nhập, công sở cũ của xã Quảng Phúc và công trình nhà làm việc 2 tầng, khu hội trường xã Quảng Phúc mới xây dựng lại bị bỏ hoang cho đến nay.

  Cảng cá ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hoá bỏ hoang, không sử dụng. Ảnh: Hương Trà 

Tại xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá đang có rất nhiều công trình bị bỏ hoang sau khi sáp nhập lại với xã Văn Lộc. Do di chuyển toàn bộ các phòng, ban làm việc sang trụ sở của xã Văn Lộc cũ, nên hiện nay, các công sở, trạm y tế, sân vận động, nhà văn hoá thôn và trường học cũ đang bị bỏ hoang.

Năm 2019, UBND xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn đã khởi công xây dựng Trường Mầm non xã Hải Nhân khu B (cơ sở 2) với số vốn gần 6,5 tỷ đồng, công trình gồm nhà hiệu bộ, 6 phòng học, nhà bếp, nhà vệ sinh nhằm giảm bớt áp lực quá tải học sinh cho cơ sở 1. Đến tháng 11/2020, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuy nhiên, do thiết bị dạy học không đầy đủ, nhiều cha mẹ học sinh không chấp nhận cho con học tại cơ sở 2. Sau đó, trường được sử dụng làm nơi cách ly, điều trị COVID-19, sau khi dịch bệnh kết thúc, cơ sở 2 của trường bị bỏ hoang, nhiều hạng mục xuống cấp, gây lãng phí vốn đầu tư công.

Nhà văn hoá thôn cũng cửa đóng then cài sau khi sáp nhập thôn. Ảnh: Hương Trà

Tại huyện biên giới Quan Sơn, sau khi thị trấn Quan Sơn và xã Sơn Lư sáp nhập, trụ sở làm việc được thống nhất chuyển về UBND xã Sơn Lư. Điều này đồng nghĩa với việc UBND thị trấn Quan Sơn trở thành công trình dôi dư. Sau nhiều năm bỏ hoang, không đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, rác vứt bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị. Mặc dù UBND huyện Quan Sơn đã kiến nghị bàn giao công trình về địa phương quản lý, thế nhưng tới nay, công trình này vẫn đang đóng cửa, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Cách công trình UBND thị trấn Quan Sơn không xa, công trình trạm y tế thị trấn Sơn Lư sau khi sáp nhập cũng trong tình trạng xập xệ, xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng do nhiều năm bỏ hoang. Trong khi quỹ đất của địa phương hạn hẹp, đa số người dân đều mong muốn các cấp chính quyền hoàn tất các thủ tục, sớm bàn giao và chuyển đổi các công trình về cho địa phương quản lý để sửa sang thành công trình phúc lợi, phục vụ cho bà con nhân dân, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Ông Trương Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết, sau khi thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa, theo thống kê, huyện Quan Sơn có 40 cơ sở nhà đất dôi dư. Huyện đã tái sử dụng 18 cơ sở, còn lại 22 cơ sở đến nay vẫn chưa được chuyển đổi… Địa phương đã có văn bản trình UBND tỉnh, Sở Tài chính sắp xếp tài sản, nhà đất, tránh lãng phí cho Nhà nước. Huyện đã đề nghị 22 cơ sở này bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng để tăng nguồn thu. Còn lại 18 cơ sở, huyện đã có phương án sắp xếp theo quy định, trình UBND tỉnh vào quý I/2024...

Công sở thị trấn Quan Sơn không sử dụng sau khi sáp nhập. Ảnh: Hương Trà 

Ông Lê Duy Hiếu, Phó Trưởng phòng Quản lý công sản - giá, Sở Tài chính, cho biết, tổng số cơ sở nhà đất dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính của 27 huyện, thị xã và thành phố là 789 cơ sở (tài sản công).

Qua rà soát của cơ quan chức năng, cho thấy toàn bộ 789 cơ sở nhà đất trên phần lớn còn nguyên giá trị lớn, giá trị khấu hao tài sản còn nhiều và đang còn khả năng sửa chữa, cải tạo để sử dụng. Thậm chí, ở nhiều địa phương, các công trình đang còn mới, chưa kịp đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, theo báo cáo của Sở Tài chính, tỉnh Thanh Hóa có 101 trường trung học phổ thông, thời điểm sau sáp nhập còn 88 trường, giảm 13 trường, hiện có 8 trường thuộc diện dôi dư.

Sau nhiều năm không sử dụng, hàng chục công trình công sở, trạm y tế, sân vận động và trường học dôi dư sau khi sáp nhập bị bỏ hoang và có dấu hiệu xuống cấp. Trong đó, nhiều công trình mới được đầu tư có giá trị hàng tỷ đồng, đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì đã sáp nhập và bỏ không công trình cho đến nay vẫn chưa được sử dụng.

Trạm y tế xã Thuần Lộc (cũ), huyện Hậu Lộc bỏ hoang sau khi xã sáp nhập. Ảnh: Hương Trà

Sân vận động xã Quảng Đức, huyện Hoằng Hoá bị bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm và một số hạng mục bị hư hỏng. Ảnh: Hương Trà

Sở Tài chính đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, sắp xếp đưa tài sản công vào sử dụng, hạn chế việc đề xuất bán, thu hồi để thực hiện dự án khác, tránh gây lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước.

Vì vậy, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, có quyết định đưa các công trình hiện đang dôi dư vào để sử dụng đúng mục đích, nhu cầu và tránh gây lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước.