1. Trang chủ /
  2. “Thắp ngọn đèn” tình yêu di sản cho người trẻ

“Thắp ngọn đèn” tình yêu di sản cho người trẻ

chủ nhật, 26/11/2023 10:57 GMT+07
Đam mê với lịch sử, văn hóa Việt Nam, rất nhiều người trẻ đã ấp ủ những dự án đầy ý nghĩa để bảo tồn di sản, kể các câu chuyện hấp dẫn và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người.
Mỗi tác phẩm đều mang câu chuyện về lịch sử, tôn giáo, lễ nghi,… của Việt Nam. (Nguồn: Đại Nam phục ảnh)

Mỗi tác phẩm đều mang câu chuyện về lịch sử, tôn giáo, lễ nghi,… của Việt Nam. (Nguồn: Đại Nam phục ảnh)

Sáng tạo độc đáo

Với sự phát triển của xã hội, người trẻ hiện nay rất nhanh nhạy với việc nắm bắt thông tin và sáng tạo ra những sản phẩm độc lạ xen lẫn giữa truyền thống, hiện đại. Như chàng trai trẻ Nguyễn Duy Duy (27 tuổi), sinh ra và lớn lên tại một làng nghề mộc, từ nhỏ anh đã có kiến thức về đồ mộc, hoa văn, họa tiết,... Sau khi tốt nghiệp THPT, không như bạn bè trang lứa lựa chọn vào đại học, Duy Duy quyết định nối nghiệp gia đình. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhận ra niềm đam mê với hội họa và mong muốn thỏa mãn sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, anh quyết định tìm một con đường khác. Việc đầu tiên, Duy Duy đã thi lại vào Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Nội, ngành Thiết kế đồ họa.

Mặc dù vào học muộn hơn so với bạn bè cùng tuổi, nhưng tại trường học, anh đã phát huy được sở trường về nghệ thuật và có những bước tiến. Sự nghiệp của Nguyễn Duy Duy bước sang một trang mới khi anh bắt đầu bén duyên với nghệ thuật cắt giấy Kirigami của Nhật Bản. Anh chia sẻ, khi đang tìm đề tài cho bài luận tốt nghiệp, anh vô tình gặp một cặp đôi người Ấn Độ đã dùng nghệ thuật cắt giấy này của Nhật Bản để sáng tạo ra những sản phẩm vô cùng ấn tượng.

Vốn là một người có suy nghĩ táo bạo, muốn thử sức trong những lĩnh vực mới. Duy Duy bắt đầu tìm hiểu sâu về nghệ thuật cắt giấy Kiragami của Nhật Bản. Sau đó, Duy nhận ra, nghệ thuật cắt giấy Kiragami chỉ dừng lại ở mô hình 2D sẽ không thú vị, độc đáo. Anh chuyển sang làm mô hình 3D. Đặc biệt, Duy cho biết, anh khao khát được dùng nghệ thuật để kể ra những câu chuyện về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở Việt Nam. Vì vậy, không chỉ dùng mô hình 3D, anh còn kết hợp nghệ thuật rối bóng Trung Hoa, để khắc họa câu chuyện về lịch sử Việt Nam, về chùa Một Cột, nón lá nàng thơ, về tín ngưỡng, văn hóa Việt Nam thông qua các bức tranh.

Người trẻ đang dùng sức sáng tạo của mình để lan tỏa nét đẹp của văn hóa Việt. (Đèn lồng cắt giấy, nguồn: Nguyễn Duy Duy)
Người trẻ đang dùng sức sáng tạo của mình để lan tỏa nét đẹp của văn hóa Việt. (Đèn lồng cắt giấy, nguồn: Nguyễn Duy Duy)

Mỗi tác phẩm của của Duy Duy đều nhận được rất nhiều sự chú ý của những khách hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt, các tác phẩm được Duy chia sẻ trên các trang cá nhân nhận được sự yêu thích của rất nhiều người trẻ.

Nhắc đến nghệ thuật màu sắc, nhiếp ảnh, không thể nào thiếu cái tên Âu Minh, chàng trai sinh năm 1994. Được biết, Âu Minh chính là chủ nhân của bộ ảnh “Hà Nội - 65 năm rực rỡ máu và hoa” cùng hàng chục bộ ảnh lịch sử được phục chế phiên bản màu trên “Đại Nam phục ảnh”. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Bình Dương, từ nhỏ Âu Minh đã mang trong mình niềm say mê với Lịch sử Việt Nam, phong cảnh, trang phục, di tích… Hành trình đến với công việc phục chế, tô màu những bức ảnh lịch sử là một chặng đường rất dài với Âu Minh. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình và làm nhân viên truyền thông tại một công ty du lịch, anh có chút thế mạnh về đồ họa, lại sẵn niềm đam mê với lịch sử nên đã hạ quyết tâm thực hiện một dự án tái tạo những câu chuyện lịch sử qua màu sắc thật sinh động, hấp dẫn.

Phải đến năm 2019, thời điểm rất nhiều các dự án cổ phong ra đời, Âu Minh bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về các tư liệu. Anh nhận ra, các dự án đó hầu như đều vẽ lại hoặc dựa trên các tư liệu trắng đen. Mong muốn đem lại góc nhìn mới về lịch sử, văn hóa của người An Nam khi xưa. Âu Minh đã tự mày mò, học hỏi từ người quen những phần mềm chỉnh sửa ảnh đen trắng sang ảnh màu. Sau đó, một số tấm ảnh được anh phục chế nhận được phản hồi tích cực, Âu Minh bắt đầu thành lập trang facebook “Đại Nam phục ảnh” chuyên phục chế, tô màu cho những bức ảnh lịch sử đã có tuổi đời hàng trăm năm.

Minh cũng từng chia sẻ cái tên “Đại Nam phục ảnh” có nghĩa là phục chế lại ảnh của Đại Nam. Bởi, thực ra, ban đầu, anh chỉ định phục chế những bức hình trong thời kỳ Đại Nam (triều Nguyễn). Sau khi thực hiện được một thời gian, anh dần mở rộng ra khoảng thời gian sau cho tới khi trước 1975, vì sau năm 1975 thì hầu như đã có ảnh màu. Mỗi bức ảnh Âu Minh phục chế đều rất cẩn thận, tỉ mỉ từng gam màu, đường nét. Anh từng cho biết phục chế phải có “tâm” để lột tả được nét đẹp cổ xưa của đình làng, của cuộc sống, thần thái trên khuôn mặt, ánh mắt của những người xưa.

Nhiều người trẻ đang âm thầm lan tỏa những nét đẹp văn hóa Việt Nam. (Âu Minh, nguồn: Nguoiduatin.vn)
Nhiều người trẻ đang âm thầm lan tỏa những nét đẹp văn hóa Việt Nam. (Âu Minh, nguồn: Nguoiduatin.vn)

Mỗi tác phẩm đang kể một câu chuyện

Nguyễn Duy Duy bắt đầu với việc làm đèn giấy 3D từ đồ án tốt nghiệp, hiện nay, anh đã nâng cao tay nghề và có những cửa hàng riêng của mình để trưng bày và bán những sản phẩm độc đáo này. Để làm ra mỗi tác phẩm đèn giấy nghệ thuật, Duy thực hiện ít nhất 5 công đoạn: Lên ý tưởng, vẽ phác thảo, tách lớp - nhằm chia bản phác thảo ra thành nhiều lớp xa - gần, sáng - tối khác nhau, tiếp đó là cắt giấy, tính toán khoảng cách và cố định các lớp giấy. Công đoạn cuối cùng là chia màu đèn LED theo tỷ lệ đã được tính toán, kiểm tra độ chuyển sáng của đèn.

Duy đặt công đoạn lên ý tưởng lên đầu tiên, vì đối với anh mỗi sản phẩm là tình yêu, tâm huyết anh gửi gắm vào. Đằng sau những bức tranh ẩn hiện trong ánh đèn vàng mơ màng là những câu chuyện về quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Duy cho biết, anh coi mỗi chiếc đèn là “dòng chảy ký ức” về văn hóa, phong tục tập quán, về vườn quê, thời bao cấp, về lễ nghi xa xưa đã dần phai màu theo thời gian. Như khung cảnh làng quê xứ Đoài với đường làng nhà cửa lô xô, một chiếc cổng vòm lấp ló phía xa, gần hơn là người đàn ông đạp xe, người phụ nữ dắt xe đạp, người gánh hàng rong. Tất cả khung cảnh đó nổi bật lên dưới ánh chiều vàng xuộm, khiến người xem man mát một nỗi nhớ quê…

Đặc biệt, Duy Duy còn nổi tiếng với bộ đèn thuộc dự án “Việt Nam - đất nước, con người” được thực hiện cùng nhóm bạn. Duy cho biết, ý tưởng thực hiện bộ đèn nảy ra khi anh nghe ca khúc “Nhớ về Hà Nội” do ca sĩ Hồng Nhung thể hiện. Hình ảnh về tàu hỏa xưa cũ, những góc phố thân quen và hồ Hoàn Kiếm thân thương khơi gợi nhiều cảm hứng cho anh khi vẽ. Những nét văn hóa, hình ảnh đặc trưng trên khắp mọi miền của Tổ quốc như cố đô Huế, Hội An, sông nước miền Tây, cồng chiêng Tây Nguyên… đã được anh biến hóa kỳ ảo, tái hiện trong tổng thể 17 hộp đèn giấy khác nhau.

Nếu như mỗi chiếc đèn của Duy Duy “ôm trọn” ký ức, nét đẹp văn hóa, lịch sử vào trong những bức tranh cắt giấy thì chàng trai trẻ Âu Minh lại làm sống dậy lịch sử từ các bức ảnh. Minh thường gọi đùa “sứ mệnh” của “Đại Nam phục ảnh” là tô màu cho lịch sử, “thổi hồn” cho những bức tranh đen trắng. Từ năm 2019 đến nay, Âu Minh đã phục dựng hàng chục bộ ảnh và hàng trăm ảnh lẻ.

Với mỗi bức ảnh, Âu Minh muốn cho người xem cảm giác gần gũi, chân thực nhất. Anh mong rằng mỗi bức ảnh của mình phục chế sẽ “kéo” lịch sử lại gần người trẻ hơn nữa. Vì vậy, mỗi bức ảnh, anh sẽ mất vài ngày đến cả tuần dù tra tư liệu, nhờ các chuyên gia hỗ trợ, tô màu, chỉnh gam màu sáng - tối, độ bóng, nhưng Minh chỉ bảo đảm khôi phục được 60 - 70% màu ảnh.

Người trẻ “đánh thức” di sản sống dậy theo những cách mới mẻ, hấp dẫn. (Nguồn: Nguyễn Duy Duy)
Người trẻ “đánh thức” di sản sống dậy theo những cách mới mẻ, hấp dẫn. (Nguồn: Nguyễn Duy Duy)

Hiện nay, các bức ảnh Âu Minh khôi phục như Huế thập niên 1920 - Đua thuyền trên sông Hương ngày lễ nữ thánh Jeanne d'Arc, Lycée Albert Sarraut à Hanoi - Trung học Albert Sarraut ở Hà Nội, Đám cưới của ông Vĩnh Phối và bà Thạch Huệ ở Huế ngày 9/3/1969, hình ảnh Nam Phương Hoàng hậu,… đều nhận được đánh giá cao từ cộng đồng người yêu mến lịch sử. Đặc biệt, nhờ bức ảnh “tô” thêm màu sắc, các nét đẹp văn hóa, di tích lịch sử, lễ nghi, mốc thời gian lịch sử quan trọng được nhiều người trẻ quan tâm, chú ý và yêu mến hơn rất nhiều.

Chia sẻ về một trong các kỷ niệm nhớ nhất, Âu Minh từng bộc bạch, một trong những bức ảnh anh phục chế lần đầu là ảnh Hoàng hậu Nam Phương. Minh thật sự yêu mến nét đẹp đoan trang, dịu dàng, cổ điển của Hoàng hậu. Trong quá trình tô màu cho ảnh, anh phải liên tục tra các tài liệu lịch sử, tìm màu sắc phù hợp. Thậm chí hỏi chuyên gia về bộ trang phục của Hoàng hậu Nam Phương mặc, khi chắc chắn rằng đó là màu đỏ, anh mới an tâm phục chế tiếp những phần khác. Sau nhiều năm “tô màu” cho các bức ảnh, hiện nay, trên trang “Đại Nam phục ảnh” dù đã hạn chế hoạt động hơn, song, các bức ảnh của Âu Minh vẫn được lan truyền rộng rãi trên mạng trở thành niềm cảm hứng cho nhiều người trẻ yêu mến lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Câu chuyện chàng trai trẻ Âu Minh và Nguyễn Duy Duy chỉ là hai trong rất nhiều thanh, thiếu niên hiện nay đang ầm thầm dành tình cảm cho di sản văn hóa vật thể, phi vật thể Việt Nam. Họ đang cùng chung tay gìn giữ nâng niu những tinh hoa mà nhiều thế hệ cha ông đã trao truyền cho con cháu bằng trái tim đầy nhiệt huyết và sức sáng tạo không ngừng nghỉ trên các hội nhóm, diễn đàn. Bằng hành động của mình, thế hệ 9x, 10x đang nỗ lực lan tỏa và bảo tồn giá trị những di sản Việt.