Thêm quy định pháp luật để tránh 'bảo hộ ngược' doanh nghiệp OTT ngoại
Nghị định 71 ra đời với những điều chỉnh phù hợp hơn để đưa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về mặt bằng pháp lý chung. (Ảnh minh họa: ABEI)
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 71 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình. Với nghị định này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thị trường truyền hình trả tiền qua ứng dụng internet trong nước sẽ có cơ hội cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp xuyên biên giới.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm trong cuộc họp báo ngày 12/10.
“Các quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung sẽ đưa các doanh nghiệp về một mặt bằng chung để quản lý, tránh việc ‘bảo hộ ngược’, chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước mà buông lỏng doanh nghiệp xuyên biên giới,” Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Trong cuộc họp báo, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phân tích nhiều điểm mới của quy định pháp luật.
Cụ thể, Nghị định số 71/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung 15/32 Điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 101/2023, sẽ đảm bảo quản lý hiện đại, phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển.
Theo Nghị định 71 mới được ban hành, các nền tảng OTT (nội dung truyền hình được cung cấp qua đường truyền internet tốc độ cao thay vì các phương tiện truyền thống như truyền hình cáp hay truyền hình vệ tinh) dù là trong nước hay xuyên biên giới đều phải tuân thủ chung các quy định. Thứ nhất là phải đăng ký cấp phép hoạt động kinh doanh, tuân thủ các nghĩa vụ tài chính và quy định hành chính tại Việt Nam. Thứ hai là nội dung phải được kiểm duyệt bao gồm cả các nội dung quảng cáo tương tự như các dịch vụ truyền hình trả tiền.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu trong cuộc họp báo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Theo Nghị định 06 trước đây, phạm vi quy định chỉ bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên internet thông qua các địa chỉ web thì nay sửa đổi bổ sung thêm ‘ứng dụng internet’. Điều đó có nghĩa là các ứng dụng di động OTT xuyên biên giới giờ đây không thể nằm ngoài vòng pháp luật. Khung khổ pháp lý mới hiện tại là cơ sở để kiến tạo một cuộc đua bình đẳng hơn,” ông Nguyễn Hà Yên cho biết.
Điểm quan trọng tiếp theo của Nghị định 71 là bổ sung thêm quy định về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung theo yêu cầu (VOD). Theo đó, nội dung VOD được phân thành 3 nhóm để thực hiện, gồm:
Đối với các chương trình tin tức, thời sự; các chương trình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội: Phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ.
Đối với phim: Doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định khi đáp ứng các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả phân loại.
Đối với chương trình thể thao, giải trí: Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ được thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ theo nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam./.
Từ năm 2018, tại Việt Nam, dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet (OTT TV VOD) bắt đầu phát triển với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài. Với các doanh nghiệp trong nước, nội dung theo yêu cầu phải thực hiện biên tập chặt chẽ bởi cơ quan có giấy phép hoạt động truyền hình. Tuy nhiên, nội dung theo yêu cầu trên các nền tảng của doanh nghiệp nước ngoài không tuân theo quy định đó, dẫn tới nhiều nội dung vi phạm, như: xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; vi phạm thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Theo thống kê từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, thị trường truyền hình trả tiền qua ứng dụng có doanh thu năm 2021 tăng trưởng 300% (hơn 700 tỷ đồng) so với năm 2020. Song, doanh thu của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, WeTV, Apple TV, IQIYI, Iflix ước tính gấp đôi tổng doanh thu của 22 doanh nghiệp nội. Trong khi đó, họ không phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính, hành chính nào ở thị trường Việt Nam. Đó là lý do Nghị định 71 ra đời với những điều chỉnh phù hợp hơn.