1. Trang chủ /
  2. ‘Thí sinh cần chọn ngành trước rồi mới chọn trường’

‘Thí sinh cần chọn ngành trước rồi mới chọn trường’

thứ hai, 20/3/2023 11:53 GMT+07
Mỗi mùa tuyển sinh đại học đến, thí sinh thường băn khoăn về vấn đề chọn ngành học nào, chọn trường học nào. Theo các chuyên gia, thí sinh hãy lựa chọn ngành học dựa trên sở thích, sở trường, năng lực bản thân và nhu cầu xã hội, tiếp đó mới chọn trường phù hợp.
Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023.

Thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng theo ngành

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), mùa tuyển sinh đại học năm 2023 có 3 điểm mới. 

Thứ nhất là cộng điểm ưu tiên (khu vực và đối tượng) vào điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc các kết quả khác để xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ có điều chỉnh giảm dần tuyến tính khi các em đạt được mức điểm giỏi từ 22,5 trở lên. Theo nguyên tắc đó, năm 2023 sẽ không có thí sinh nào đạt trên 30 điểm (vì khi đạt điểm tuyệt đối 30/30 thì sẽ không được cộng điểm ưu tiên).

Bộ GD&ĐT: "Thí sinh cần chọn ngành trước rồi mới chọn trường" - Ảnh 2.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT).

Thứ hai, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp. Do vậy, nếu thí sinh tham gia xét tuyển ĐH từ năm thứ 3 trở đi sau khi tốt nghiệp THPT thì sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực.

Thứ ba, thí sinh đăng ký xét tuyển theo mã tuyển sinh (theo ngành), thay vì đăng ký theo phương thức xét tuyển.

Về thay đổi thứ ba này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, đây thực chất là điều chỉnh về khâu kỹ thuật trong công tác xét tuyển. Để tránh việc thí sinh đăng ký nhầm tổ hợp và phương thức xét tuyển, năm nay, các thí sinh chỉ đăng ký vào ngành các em muốn xét tuyển.

Các yếu tố đặc biệt lưu ý trong quá trình chọn ngành


PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho biết 3 yếu tố cần đặc biệt lưu ý trong quá trình chọn ngành, chọn nghề.

Thứ nhất là năng lực. Mỗi học sinh cần hiểu rõ năng lực của bản thân dựa vào quá trình tham vấn ý kiến giáo viên chủ nhiệm, chuyên gia. Khi khả năng và thế mạnh được áp dụng vào đúng lúc đúng chỗ sẽ tạo ra cơ hội phát triển và mức thu nhập hấp dẫn.

Thứ hai thí sinh cần quan tâm, tìm hiểu liên quan đến nguồn nhân lực.

Thứ ba là sở thích, đam mê.

Ngoài ra, theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, năng lực tài chính của gia đình cũng là yếu tố các em cần lưu ý để lựa chọn ngành, nghề phù hợp. Tuy nhiên, các em không nên để tài chính hạn chế niềm đam mê.

Nên chọn ngành trước rồi mới chọn trường

Chia sẻ với thí sinh về vấn đề chọn ngành, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa đưa ra lời khuyên với thí sinh nên cân nhắc kỹ khi lựa chọn ngành học.

Bộ GD&ĐT: "Thí sinh cần chọn ngành trước rồi mới chọn trường" - Ảnh 3.
Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023.

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, rất nhiều sinh viên sau khi học đại học được 1-2 năm rồi mới thấy mình không phù hợp ngành đã chọn thì có thể chuyển sang ngành khác. Các em có thể định hướng chuyển trường chuyển ngành, học cùng lúc 2 chương trình đào tạo nếu đáp ứng các điều kiện Bộ GD&ĐT đã quy định. Các trường đều áp dụng theo nguyên tắc này. Nhưng trong trường hợp các em không đủ điều kiện chuyển, không thể chuyển được cũng không sao cả. Chúng ta cứ đi tiếp và hãy lấy thái độ, kỹ năng của mình để quyết định cuộc đời mình.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cho rằng, việc lựa chọn ngành học tất nhiên cần tìm hiểu thật kỹ. Nhưng nếu chúng ta lựa chọn nhầm ngành nghề thì cũng đừng quá bi quan, đừng coi đó là bi kịch. Bởi yếu tố chuyên môn chỉ chiếm khoảng 15% sự thành công của con người, 85% còn lại là thái độ, kỹ năng. "Dù chọn nhầm, các em cứ hãy cố gắng làm tốt ngành nghề ấy và trau dồi thái độ, kỹ năng. Sau này khi ra ngoài xã hội, em vẫn sẽ có cơ hội làm tốt hơn ở những ngành khác.

Các em nên chọn ngành trước, sau đó mới đến chọn ngôi trường phù hợp. Để lựa chọn được ngành nghề đúng, các em có thể tham gia các bài test khách quan và xem tính cách, năng lực của mình phù hợp với ngành nghề nào và trả lời được các câu hỏi: Mình có thích ngành nghề đó không? Có đam mê không? Có năng lực hay không? Có cơ hội phát triển không?".

Với 25 năm trong kinh nghiệm với nghề giáo trong lĩnh vực giáo dục đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định, cần phải chọn ngành trước. "Khi đã xác định được ngành nghề mà chúng ta sẽ theo đuổi, cống hiến, tâm huyết với nó thì sẽ tạo ra được động lực để thực hiện ước muốn. Tiếp theo sau đó mới lựa chọn trường phù hợp trong các trường đào tạo ngành nghề đó".

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, ngành đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc định hình con người trong tương lai. Danh tiếng và uy tín của ngôi trường cũng đóng vai trò quan trọng. Bằng đại học sẽ đi theo con người đến suốt cả cuộc đời. Nó là nền tảng để học tập và trau dồi những kỹ năng, phương pháp để học tập ở những cấp bậc cao hơn.

Đối những thí sinh yêu thích một ngôi trường nào đó mà bắt buộc phải vào trường đó chứ không vào trường khác, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyên các em nên chọn những nhóm ngành nghề tương đối gần nhau.