1. Trang chủ /
  2. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng “nóng”, cảnh báo "lỗ hổng", rủi ro

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng “nóng”, cảnh báo "lỗ hổng", rủi ro

thứ ba, 26/4/2022 10:21 GMT+07
(PLM) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, 2021 là năm thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng “rất nóng”. Trong khi, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã nhận diện được sơ hở, nhiều cảnh báo "lỗ hổng", rủi ro trong phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Ngày 25/4, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. 

Một trong những vấn đề được đề cập là việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phạm Thúy Chinh trình bày đề cập đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhưng có dấu hiệu “nóng”; tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp “lách luật” phát hành trái phiếu sai quy định”, bà Chinh nói.

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhận định 2021 là năm thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng “rất nóng”. Ông đề nghị xác minh thông tin báo chí nêu năm 2021, huy động trái phiếu doanh nghiệp đến hơn 700.000 tỷ đồng, trong đó 44% liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây khi đến hạn, dòng tiền có thì doanh nghiệp lấy ra trả hoặc đi vay để đảo trả. Nhưng đến nay, đi vay để đảo nợ bị siết, cùng với đó là tác động của dịch COVID-19 nên doanh nghiệp không có dòng tiền để trả.

Vì vậy, có những doanh nghiệp rao bán dự án để trả nợ, nhưng dự án đã đầy đủ cơ sở pháp lý đâu mà bán. Mặt khác, dù có đầy đủ pháp lý cũng có ai mua không khi mà (doanh nghiệp) đang vướng vào các sai phạm.

“Không trả được thì vỡ nợ thôi. Đây là điểm rất khác so với các năm trước”, ông Huệ nói thêm và đề nghị, phải giám sát việc này.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Đ.X
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Đ.X

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bộ này đang tham mưu Chính phủ sửa Nghị định 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Theo Bộ trưởng Tài chính, khi Luật Chứng khoán và Nghị định 153 ra đời, chúng ta rất muốn tiếp cận với điều kiện thế giới. Sau khi ban hành, các văn bản này lại thể hiện “lỗ hổng”, dẫn tới những vi phạm trong thực tế.

“Chúng tôi đã nhận diện được sự sơ hở này. Tôi quan sát thấy lỗ hổng và đã yêu cầu cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng”, ông Phớc nói và cho biết, Bộ Tài chính đã có 5 thông cáo báo chí, 4 cuộc trao đổi trên VTV1 và các diễn đàn về những rủi ro trong phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp.

Riêng Bộ Tài chính đã có 3 văn bản chấn chỉnh, yêu cầu thanh tra. “Vừa rồi, chúng ta đã có động thái xử lý nghiêm. Đây là vấn đề cần xử lý để làm trong sạch thị trường, đưa thị trường đi vào nề nếp. Cùng đó, cũng phải sửa quy định pháp luật”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Trái phiếu doanh nghiệp được xem là một kênh huy động vốn hấp dẫn. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2021 là 176.828 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ 2020. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ.

Còn theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỷ đồng, tăng gần 39% so với năm 2020. Khối lượng trái phiếu phát hành ra công chúng là 31.000 tỷ đồng.

Dự án treo đang thành căn bệnh trầm kha

Việc lập, phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, dẫn đến lãng phí nguồn lực Nhà nước cũng là vấn đề được quan tâm, đặc biệt là dự án “treo”.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho hay, các dự án “treo” dẫn tới nhiều hệ lụy.

“Nhiều nhà đầu tư, chủ đầu tư lập dự án được cấp đất, nhưng thực tế không thực hiện dự án mà chuyển nhượng qua nhiều lần để sử dụng chênh lệch dẫn đến dự án treo. Nguyên nhân không phải vì nhà đầu tư bị khó khăn mà do ý thức của nhà đầu tư và các cấp chính quyền giao dự án biết dự án không thực hiện nhưng vẫn giao đất. Có những dự án chuyển đến 2-3 nhà đầu tư nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện”, bà Thanh nêu.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, báo cáo trình bày trước Quốc hội có địa chỉ cụ thể, không nói chung chung. “Tình trạng như chị Thanh nói là không tiến triển, trầm kha hết năm nọ sang năm khác”, ông Vương Đình Huệ nói rõ, “làm tốt phải biểu dương thật lực, anh nào chưa tốt thì nhắc nhở, còn anh nào làm kém phải phê bình, kiểm điểm, chịu trách nhiệm”.

Từ đó, ông đề nghị cơ quan thẩm tra “nói thẳng” trong báo cáo và các kiến nghị với Chính phủ cũng phải “kiến nghị thẳng”. “Không nói chung chung việc nọ, việc kia, hoàn thiện thể chế, tăng cường, siết chặt. Bỏ mấy chữ đó đi. Siết chặt kiểu này là ngày càng lỏng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 


Có thể bạn quan tâm