1. Trang chủ /
  2. Thiếu điện, chuyên gia đề xuất gỡ điểm ‘nghẽn’ để có nguồn cung điện dồi dào

Thiếu điện, chuyên gia đề xuất gỡ điểm ‘nghẽn’ để có nguồn cung điện dồi dào

thứ ba, 23/5/2023 15:57 GMT+07
Theo chuyên gia, nguồn điện đang đối diện nguy cơ thiếu, nhưng đang tồn tại nghịch lý là nhiều dự án điện tái tạo khắp cả nước vẫn chưa thể bổ sung nguồn. Vấn đề này tồn tại khá lâu mà chưa giải quyết được
Nguy cơ thiếu điện trầm trọng mùa nắng nóng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Ngắt điện luân phiên vì thiếu nguồn cung

Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 7) sẽ rất khó khăn. Hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 1.600-4.900 MW.

Tại hội nghị tiết kiệm điện ngày 22/5, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, ngoài tăng sản xuất, cung ứng, việc sử dụng điện tiết kiệm được xem là một trong những giải pháp cấp bách trong bối cảnh nguồn cung khó khăn hiện nay. "Bộ Công Thương kêu gọi và đề nghị các bộ, ngành sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng", Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị.

Trong hai năm tới, Bộ này đặt mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên hệ thống về dưới 6% và giảm công suất đỉnh của hệ thống qua điều chỉnh phụ tải (DR) ít nhất 1.500 MW vào 2025.

Nghịch lý là trong khi nguy cơ thiếu điện rất lớn, nhưng việc huy động nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo diễn ra khá chậm chạp. Mới đây, 23 nhà đầu tư (NĐT) dự án điện mặt trời, điện gió tiếp tục gửi văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, EVN cho phép huy động tạm thời phát điện các dự án điện đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong lúc chờ đàm phán, thỏa thuận giá bán điện theo chỉ đạo của Chính phủ.

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), nhận xét: Chưa bao giờ ngành điện Việt Nam lại phát triển một cách bấp bênh như hiện tại. Thiếu điện vào cao điểm mùa nắng thì năm nào cũng gặp. Tuy nhiên năm nay do sản lượng điện sản xuất ra ít hơn và nắng nóng nhiều hơn nên nguy cơ thiếu hụt lớn hơn. Về cơ bản, công suất phát điện và truyền dẫn tối đa được thiết kế ở một mức phù hợp với nhu cầu bình thường. Nếu thiết kế quá cao sẽ là lãng phí rất lớn. Chính vì vậy, vào những lúc công suất điện sử dụng cực đại, chúng ta phải chấp nhận có một số nơi bị ngắt điện tạm thời.

Theo TS Ngô Đức Lâm, nguồn điện đang đối diện nguy cơ thiếu, nhưng đang tồn tại nghịch lý là nhiều dự án điện tái tạo khắp cả nước vẫn chưa thể bổ sung nguồn. Vấn đề này tồn tại khá lâu mà chưa giải quyết được, không phải lỗi của EVN hay Bộ Công thương mà chủ yếu do cơ chế giá và chính sách của chúng ta đang vướng. Hiện tại không ai dám tháo gỡ những chỗ vướng này vì nó đụng tới chính sách, cơ chế. 

"Tôi cho rằng sắp tới Bộ Công thương sẽ phải tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội chính sách gỡ vướng cho các dự án này để "xóa treo" sớm. Mục đích phải đáp ứng đủ cung - cầu điện của xã hội", ông Lâm chia sẻ.

Huy động các dự án năng lượng tái tạo

GS.TSKH Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, nguy cơ thiếu điện hôm nay cũng phần nào nhìn nhận vai trò quan trọng của năng lượng tái tạo được đầu tư mạnh mẽ thời gian qua. Mấy năm trước không có những dự án điện mặt trời, điện gió lớn đầu tư vào VN, khó có thể có nguồn điện tái tạo phong phú như hiện nay. Tuy vậy, khi việc phát triển nóng, phá vỡ mọi quy hoạch thì truy trách nhiệm của cơ quan quản lý, tư vấn chuyên môn. Còn lại, việc đàm phán thương thảo giá điện chuyển tiếp lúc này là cần thiết và phải được tiến hành nhanh hơn.

"Cần đảm bảo lợi ích các bên. Nhà đầu tư cũng đổ lượng lớn tiền ra để làm, nếu không rõ ràng, minh bạch lúc này, rất khó để thu hút đầu tư sau này. Đặc biệt, sau khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt, đầu tư về truyền tải điện, năng lượng tái tạo… sẽ nhiều hơn", GS.TSKH Trần Đình Long cho hay.

Để giảm nguy cơ thiếu điện, theo chuyên gia Ngô Đức Lâm, chỉ có 2 cách: một là tiết kiệm và hai là bổ sung nguồn. Trong đó, bổ sung nguồn cung bằng các nhà máy điện than thì đi ngược xu hướng phát triển xanh và cam kết Net Zero. Nên chỉ có phương án bổ sung nhanh nhất là huy động từ các dự án điện tái tạo, chỉ mất từ 8 tháng đến 1 năm để đưa vào vận hành. 

Trong 6 quy hoạch điện trước đây, theo ông Lâm, mỗi quy hoạch có giá trị 5 năm và sau đó làm lại quy hoạch mới một lần. Từ Quy hoạch điện 7 (theo luật Quy hoạch điện mới) kéo dài lên đến 10 năm, từ năm 2011 - 2020, rồi sau 5 năm sẽ được điều chỉnh một lần cho phù hợp điều kiện thực tế. Thực tế, Quy hoạch điện 8 phải được phê duyệt từ năm 2020, giai đoạn 2021 - 2030. Nhưng mãi đến giữa năm 2023 mới được phê duyệt. Đây là những nguyên nhân làm cho thực trạng ngành điện phát triển chưa đáp ứng được thực tiễn yêu cầu đặt ra.

Hạn chế sử dụng thiết bị công suất lớn vào giờ cao điểm
Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), nếu các tình huống cực đoan xảy ra như công suất cực đại (Pmax) của miền Bắc tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022 do những ngày nắng nóng kéo dài, các tổ máy gặp sự cố hoặc chậm tiến độ sửa chữa, chậm đưa vào nguồn mới, mực nước các hồ thủy điện lớn giảm sâu..., hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp nhiều khó khăn trong cung cấp điện vào tháng 5 và tháng 6, nhất là vào giờ cao điểm.
Và nếu tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng, không có lũ hoặc lũ về ở mức thấp, tình hình cung cấp điện có thể tiếp tục còn khó khăn trong thời gian tiếp theo. Do đó EVNNPC khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm đặc biệt vào các giờ cao điểm.
Các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm như sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26 - 27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt); không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
Đặc biệt là việc hạn chế sử dụng các thiết bị công suất lớn vào giờ cao điểm (trưa 12h-15h, tối 21h-24h); các khách hàng công nghiệp bố trí lịch sản xuất phù hợp, tránh các ngày nắng nóng cực đoan.
Để tránh tình trạng số tiền điện hằng tháng phải trả tăng cao trong mùa nắng nóng, khách hàng nên sử dụng thiết bị đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, lựa chọn các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng và đặc biệt là cần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.