1. Trang chủ /
  2. Thoáng hồn quê trong dáng phố

Thoáng hồn quê trong dáng phố

thứ bảy, 23/12/2023 12:02 GMT+07
Trên con phố Yên Thái của phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), giữa khu vực đông đúc và sôi động bậc nhất nơi trung tâm Thủ đô, có ngôi đình Tú Thị nhỏ bé, mộc mạc, nhưng cũng thật kiêu hãnh khi đã ghi dấu lịch sử nghề thêu truyền thống suốt hàng trăm năm qua. Không gian đậm chất làng quê Bắc Bộ ấy cũng là nguồn cảm hứng, động lực cho không ít người trẻ say mê sáng tạo để phát huy, quảng bá một nét tinh hoa của văn hóa Việt Nam.
Một buổi trình diễn áo dài thêu tay trên phố cổ Hà Nội. (Ảnh Mai Lan)

Trong những ngày cuối năm nắng hanh và rét ngọt đặc trưng, đình Tú Thị là một trong số những ngôi đình ở phố cổ Hà Nội rộn ràng mở cửa đón khách tham quan triển lãm “Chuyện đình trong phố”, chuỗi sự kiện tôn vinh văn hóa được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm và một số doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nghệ sĩ… phối hợp tổ chức.

Đình Tú Thị thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành (1606-1661), người làng Quất Động (huyện Thường Tín), một nhân vật lịch sử có nhiều công lao trong việc truyền dạy và phát triển nghề thêu ở nước ta. Ngôi đình hơn 130 năm tuổi đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia (năm 2012) gần đây được biết đến ngày càng nhiều hơn, cũng như nghề thêu truyền thống làng Quất Động đang được nối dài trong nghệ thuật và cuộc sống đương đại.

“Phải lòng” vẻ đẹp thủ công

Thăm đình Tú Thị, ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật do nữ họa sĩ Trần Thị Hội thực hiện từ sản phẩm của Tiệm thêu tay Tú Thị, du khách người Nhật Nanami Chiba tỏ rõ sự ái mộ và hào hứng. Nếu “Giao hòa 1” là những bức tranh thêu nhỏ xíu hình tròn - tượng trưng cho trời, với hình cỏ cây, hoa lá, chim muông, được treo lơ lửng một cách có dụng ý, thì “Giao hòa 2” tái hiện hình ảnh những đôi bàn tay, vật dụng của nghề thêu, in trên tấm mica vuông như những tấm gương trong suốt, phản ánh vẻ đẹp giản dị của lao động.

30 kỹ thuật thêu độc đáo của các nghệ nhân làng thêu Quất Động được kết nối với hội họa, sắp đặt và “kể” câu chuyện văn hóa một cách sinh động cho người xem, vượt qua mọi rào cản thời gian hay ngôn ngữ.

Chị Nanami, cũng như nhiều người khác yêu thích cái đẹp và thời trang, đã tìm đến Tiệm thêu tay Tú Thị (số 23 Hàng Thùng) để hiểu thêm về nghề thêu, trò chuyện với thế hệ kế thừa của làng thêu Quất Động và mang về những món quà đậm chất Việt Nam cho mình và người thân.

Đã không đếm nổi bao nhiêu lần chia sẻ với khách hàng, học viên lớp học thêu, hay báo chí truyền thông về hành trình 7 năm của Tiệm thêu tay Tú Thị, song Giám đốc Bùi Thị Mai Lan vẫn đầy tự hào và sôi nổi khi được kể về làng mình, về nghề thêu. Rời quê Quất Động để sống và làm việc nhiều năm nơi phố xá Hà thành, chị Mai Lan từng là một nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa và du lịch của Đài Tiếng nói Việt Nam, được nhiều độc giả, thính giả yêu mến.

Rồi một ngày, sau những lần có cơ hội đi khắp Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, tình yêu và ước mơ từ khi còn là một bé gái gắn bó với làng nghề thêu đã thôi thúc Mai Lan mở thương hiệu Tiệm thêu tay Tú Thị. Cái tên Tú Thị dựa trên tên đình Tú Thị như một sự tri ân, cũng là nhắc nhở bậc hậu bối chọn theo đuổi con đường này. Không nhiều người biết được rằng đình Tú Thị được xây dựng từ năm 1891 bởi chính người dân làng Quất Động, khi họ đến kinh thành Thăng Long xưa định cư và lập nghiệp tại làng Yên Thái để buôn bán, trao đổi hàng thêu thủ công.

Cùng những người bạn và cộng sự chia sẻ chung đam mê, tâm huyết, chị Mai Lan đã và đang nỗ lực để nghề thêu cũng như chất liệu truyền thống không bị mai một. Từ những sản phẩm thông dụng như khăn tay, khăn quàng, tranh thêu, lót ly, túi xách… cho đến áo dài, áo bông, váy đầm luôn biến đổi theo thị hiếu người dùng, Tiệm thêu tay Tú Thị đều có thể thiết kế và sản xuất. Xưởng thêu Tú Thị được đặt tại chính làng Quất Động với khoảng hơn 10 nhân sự là các nam, nữ thợ thêu lành nghề.

“Hỡi cô thắt lưng bao xanh/Có về Quất Động với anh thì về/Quất Động làng anh có nghề/Thêu gà thêu vịt, thêu hoa trên cành”… Những vị khách từng theo chân chị Mai Lan về thăm Quất Động, trong đó có tôi, được chiêm ngưỡng phong cảnh và trải nghiệm nếp sống của một làng quê thuần nông, còn giữ nhiều nét cổ kính và đặc sắc trong kiến trúc, phong tục. Chị Phạm Thị Hương, một thợ thêu của Tú Thị, chia sẻ rằng thuở trước Quất Động nổi danh khắp vùng, chuyên thêu thùa chủ yếu phục vụ cung đình và tầng lớp quý tộc, các sản phẩm trang trí trong đền chùa và phường tuồng.

Người thợ thêu ren thường làm những mặt hàng nghi lễ hay trang phục cung đình như thêu câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình, chùa cùng các loại khăn chầu, áo ngự… Qua nhiều thăng trầm, nghề thêu ở Quất Động có lúc suy giảm nhưng sức sống tiềm tàng vẫn âm thầm, bền bỉ. Tranh thêu Quất Động vẫn khẳng định được chất lượng nghệ thuật cao, có chỗ đứng trên thị trường. Xu hướng yêu thích sản phẩm thủ công, các mô hình du lịch làng nghề… cũng góp phần “tiếp lửa” cho người dân giữ nghề.

Đưa khách tham quan xưởng thêu, dạo quanh đường làng, chị Mai Lan cũng trải lòng: “Sản phẩm thêu tay Quất Động giờ vừa phải cạnh tranh với thêu máy giá rẻ từ nước ngoài, vừa phải nghĩ cách đổi mới kiểu dáng, công năng sao cho phù hợp cuộc sống hiện đại. Thế rồi các bạn trẻ ngày nay có nhiều lựa chọn công việc hơn, có thể làm công nhân, buôn bán, học đại học… bởi vậy nên số lượng thợ thêu không còn nhiều như trước, càng ngày càng ít người gắn bó”.

Khó khăn là thế, song chị cũng khẳng định thêu tay truyền thống nói riêng và mọi nghề thủ công nói chung luôn có những giá trị mà máy móc không thay thế được, kinh tế thị trường không cuốn đi được.

Đó là bóng dáng quê hương, là cảm xúc và sự khéo léo của đôi tay người thợ, là sự sáng tạo vô hạn của những trái tim yêu văn hóa Việt… Chẳng hạn, một bộ áo dài hay chiếc áo chần bông của Tiệm thêu tay Tú Thị có thể bền mầu, giữ phom trong nhiều năm, có thể được truyền lại bởi người bà, người mẹ cho con cháu trong nhà với bao ký ức và cảm xúc. Đặc biệt, Tiệm thêu tay Tú Thị có đội ngũ thiết kế riêng với tiêu chuẩn chất lượng và đăng ký bản quyền, cam kết không nhận sao chép mẫu của hãng khác.

Giữ truyền thống cho tương lai

Khởi nghiệp bằng tình yêu và chọn cách làm bền vững nên thời gian qua Tiệm thêu tay Tú Thị là một cái tên đáng chú ý trong số các thương hiệu thời trang thêu tay tại Hà Nội, đồng thời là một địa chỉ được du khách quốc tế yêu thích, truyền tai nhau và ví von như “kho báu” ẩn giấu trong một con ngõ nhỏ xíu của phố cổ. Không chỉ trưng bày và bán đồ thời trang, quà lưu niệm, Tiệm thêu tay Tú Thị còn tổ chức các lớp học thêu, trò chuyện về nghề thêu dành cho những người yêu mến văn hóa truyền thống Việt Nam.

Nghệ nhân Bùi Lê Thuần, người làng Quất Động, gắn bó cả đời với nghề thêu, được mời làm giảng viên hướng dẫn các học viên về kỹ thuật thêu truyền thống. Thành quả sau những giờ phút thăng hoa của cả thầy và trò là những bức tranh thêu tay mang chủ đề đa dạng như chùm hoa, cây lá rực rỡ sắc mầu, cánh chim sống động, có hồn... Không nhận những mỹ từ như “hồi sinh” nghề thêu, chị Mai Lan và chị Hà Trang - hai người cùng phát triển thương hiệu hiện nay, chỉ khiêm nhường bày tỏ niềm vui khi ngày càng nhiều người tiêu dùng trong nước hiểu hơn và yêu hơn sản phẩm thêu tay truyền thống, xóa bỏ những định kiến như đồ thêu “xa xỉ”, hoặc thời trang thêu “già cỗi, lỗi mốt”.

Tiệm thêu tay Tú Thị đã có thêm hai cơ sở để phục vụ khách được tốt hơn, cũng như luôn tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư, quảng bá làng nghề, phố nghề như Festival tơ lụa và thổ cẩm quốc tế 2019 tại thành phố Hội An (Quảng Nam), triển lãm “Đình làng trong phố”…

Không thể không kể đến dự án trình diễn thời trang đường phố “Luala Time” trong năm 2023, một sáng kiến được thực hiện ngẫu hứng mà cũng rất chuyên nghiệp bởi Tiệm thêu tay Tú Thị cùng các cửa hàng tơ lụa, thổ cẩm, đồ lưu niệm trên dãy phố Hàng Bông, Hàng Gai. Vào mỗi chiều thứ sáu hằng tuần, các bộ trang phục lụa, thêu được phối hợp cùng nón lá, giỏ mây… và thướt tha ra phố, dạo trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm trong sự thích thú của đông đảo người dân và du khách. Mỗi buổi diễn có một chủ đề theo mùa, theo chất liệu song điểm chung là toát lên vẻ đẹp đời thường, đầy sức sống và dễ ứng dụng.

Những nụ cười rạng rỡ, những tiếng trầm trồ và loạt thiết bị ghi hình dõi theo là những khoảnh khắc ấn tượng, khó quên cho những người thực hiện chương trình. Giữa nhộn nhịp phố phường, xe cộ ngược xuôi, các cô gái Việt Nam dịu dàng và tao nhã cùng du khách chuyện trò, giới thiệu với họ về các ngôi đình cổ kính, hay cùng họ tạo dáng và chụp những bức ảnh rồi sẽ lan tỏa trên nhiều mạng xã hội… là một cách quảng bá văn hóa thật tự nhiên và đáng yêu. Đâu chỉ có du khách nước ngoài, rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ cũng quan tâm và mong muốn tìm hiểu thêm về vẻ đẹp của nghệ thuật thủ công truyền thống.

Tiếp tục nuôi khát vọng tạo dựng một “con đường tơ lụa” thời hiện đại, Tiệm thêu tay Tú Thị có định hướng vừa duy trì hoạt động giới thiệu sản phẩm tại phố cổ Hà Nội, vừa tổ chức các tour dã ngoại-trải nghiệm về làng thêu Quất Động. Điều này không nằm quá xa tầm tay bởi làng Quất Động cách trung tâm Thủ đô chỉ khoảng 25 km, nằm ven Quốc lộ 1A, có lợi thế về cảnh quan sinh thái và hoạt động thực hành nghề thêu tay truyền thống trong chính những ngôi nhà cổ.

Trên thực tế, đã có khá nhiều nhóm du khách đặt vấn đề và được người chủ tổ chức đưa về tham quan, tìm hiểu một làng quê đậm đà bản sắc của “đất trăm nghề”. Thời điểm này, Tiệm thêu tay Tú Thị trên phố Hà Nội lẫn xưởng thêu tại Quất Động đều đang hoạt động hết công suất cho mùa Tết.