Thực hiện các CTMTGQ: Đảm bảo phân bổ vốn rõ ràng, minh bạch
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của QH và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình triển khai thực hiện các CTMTQG bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phạm vi, nguyên tắc trong Nghị quyết của QH. Cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện nhiều.
Báo cáo nhấn mạnh, kết quả giải ngân đã có tiến bộ trong năm 2023, nhất là nguồn vốn đầu tư. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước đến ngày 31/8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài của 3 CTMTQG đạt khoảng 58,47% kế hoạch vốn kéo dài.
Đáng chú ý, CTMTQG giảm nghèo bền vững đã cơ bản thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm.
Cụ thể, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020, tuy chưa đạt so với mục tiêu QH giao nhưng trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,58% - là mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua thì kết quả giảm nghèo cũng là một nỗ lực được ghi nhận.
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%; tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 24 của QH đã đề ra.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập như các cơ quan bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình, nhất là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thuộc thẩm quyền quản lý.
Các văn bản chính ban hành chậm, chậm được sửa đổi, số lượng văn bản quá nhiều. Đến nay, một số địa phương vẫn tiếp tục ban hành các văn bản còn thiếu. Nhiều văn bản không phù hợp, vướng mắc trong triển khai phải sửa đổi, bổ sung.
Còn có sự trùng lặp về địa bàn, hiện thực hiện cả 3 CTMTQG; việc lập kế hoạch xác định nhu cầu của các địa phương một số nơi chưa sát thực tế làm cho công tác thực hiện phân bổ vốn không hợp lý, dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trong khi mỗi chương trình lại có cơ chế quản lý khác nhau nên không thực hiện được lồng ghép…
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn đề nghị báo cáo cần nêu rõ những địa phương, bộ, ngành thực hiện tốt để từ đó chia sẻ mô hình cho các địa phương, bộ, ngành khác. Đồng thời, chỉ rõ những địa phương, bộ, ngành thực hiện chưa tốt; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị xử lý.
Phó Chủ tịch Thường trực QH cũng đề nghị báo cáo tập trung vào một số kiến nghị như tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các Chương trình, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Phân bổ vốn rõ ràng, minh bạch, có tính đến các yếu tố đặc thù của địa phương, tránh đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực, tốn thời gian thực hiện, và tránh rủi ro về công tác cán bộ.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện vấn đề, kiến nghị xử lý nhanh chóng.