1. Trang chủ /
  2. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho đối tượng lao động nữ

Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho đối tượng lao động nữ

thứ hai, 13/3/2023 20:18 GMT+07
Nhiều lao động nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp phải nghỉ việc do sức ép công việc. Trong giai đoạn chờ công việc mới phù hợp hơn, bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành "phao cứu sinh" đối với họ.
Nhiều công việc lao động nặng nhọc không phù hợp với lao động nữ trên 35 tuổi khiến họ phải nghỉ việc

Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động nữ trên 35 tuổi

Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM đã có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình lao động, việc làm tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam. Theo báo cáo, công ty đã thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động với 2.358 người từ ngày 1/4/2023.

Cũng theo báo cáo trên, trong tổng số lao động bị cắt giảm có 83% là phụ nữ. Theo độ tuổi, có 54% lao động trên 40 tuổi, 39% lao động từ 30-40 tuổi và 6% lao động từ 21-30 tuổi. Nguyên nhân do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, cộng với suy thoái của kinh tế thế giới dẫn đến đơn hàng của công ty tụt giảm.

Nhiều công việc lao động nặng nhọc không phù hợp với lao động nữ trên 35 tuổi khiến họ phải nghỉ việc

Công ty cũng đã thảo luận với công đoàn cơ sở thương lượng với người lao động về thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, chi trả trợ cấp thôi việc.

Cụ thể, công ty chi trả cho toàn bộ thời gian người lao động làm việc (bao gồm cả những năm người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2009 đến nay), cứ mỗi năm 0,8 tháng tiền lương (bình quân 6 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động). Tổng số tiền chi trả khoảng 275 tỷ đồng.

Bình quân mức chi trả trợ cấp thôi việc khoảng 116 triệu đồng, mức cao nhất là 379 triệu đồng, thấp nhất khoảng 12 triệu đồng; khoảng 3% người lao động có thâm niên dưới 5 năm đều nhận mức từ 16-31 triệu đồng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, ngành nghề, các ngành khác để tư vấn giới việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, Sở đã đề nghị Ccông ty Pouyuen Việt Nam phối hợp cung cấp danh sách người lao động để nhanh chóng thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động.

Bản thân những lao động nữ trên 35 tuổi sức khoẻ giảm sút, cộng thêm gánh nặng từ phía gia đình, con cái không còn phù hợp khi làm việc theo ca kíp tại các khu công nghiệp nên phải nghỉ việc.

Lao động nữ ở các ngành nghề trong ngành giày da, may mặc, chế biến thủy hải sản... thường làm việc đạt năng suất, chất lượng ở tuổi từ 25-35 tuổi, sau đó bị chủ doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng hoặc chính họ phải từ bỏ công việc vì không đủ sức khỏe.

Bởi ở độ tuổi này chị em lại đang gánh vác vai trò rất quan trọng là sinh nở, nuôi dạy con cái và chăm sóc gia đình.

Bên cạnh đó nhiều áp lực từ công việc đè nặng lên đôi vai của chị em phụ nữ như mức thu nhập so với sinh hoạt còn thấp, cường độ lao động cao, làm thêm giờ nhiều, đời sống tinh thần còn nghèo nàn, ít phương tiện giải trí… Đa số chị em làm việc xa nhà, xa người thân, thiếu thốn tình cảm, phần đông là ở nhà trọ…

Bảo hiểm thất nghiệp "phao cứu sinh" đối với các lao động nữ

Với nhiều lao động nữ bị mất việc làm vì nhiều lý do khác, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã thực sự trở thành phao cứu sinh, giúp họ và gia đình trang trải cuộc sống trong thời điểm khó khăn nhất.

Ảnh minh hoạ

Chị Nguyễn Thu Thuỷ (38 tuổi, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ "Tôi phải nghỉ việc tại một công ty trong khu công nghiệp vì sức khoẻ không còn đảm bảo với việc tăng ca liên tục. Thêm vào đó, hai con tôi còn nhỏ lại đau ốm liên miên nên tôi muốn thu xếp công việc khác để có thời gian về nhà chăm lo cho con".

Từ ngày chị Thuỷ nghỉ làm lại không có lương và cũng không có bất cứ nguồn thu nhập nào khác nên chỉ biết trông cậy vào số tiền bảo hiểm thất nghiệp. Nhờ số tiền trợ cấp thất nghiệp mà chị có tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày của cả gia đình trong thời gian chờ công việc khác phù hợp hơn với sức khoẻ.

Trong những năm qua, bảo hiểm thất nghiệp đã bảo đảm những quyền lợi mà người lao động khi tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng khi bị mất việc làm. Người hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn được hưởng cả bảo hiểm y tế và trợ cấp đào tạo nghề trong quãng thời gian chờ có việc mới.

Năm 2023, ngành Lao động, Thương binh & Xã hội tập trung mở rộng diện bao phủ và số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác thông tin ổn định chính sách; đổi mới công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội; Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; phát triển quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và kiểm soát lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Đây là mục tiêu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề ra trong Kế hoạch hành động của ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Bộ phối hợp với các đơn vị giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách quy trình xử lý hồ sơ và thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp nhanh, đúng đối tượng.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, có những chính sách phù hợp để tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Bộ phấn đấu thực hiện đầy đủ, công bằng và kịp thời các chế độ hỗ trợ thường xuyên và đột xuất cho những đối tượng khó khăn.

Theo chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2023, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 39 – 40% và tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo thất nghiệp khoảng 31,5 – 32%.