Thuốc lá điện tử xâm nhập học đường: Mối nguy hại đe dọa thế hệ trẻ
Phát đi cảnh báo, hướng dẫn học sinh nhận diện các nguy cơ, mời công an về chia sẻ... là các phương thức đã được nhiều cơ sở giáo dục triển khai sau khi liên tiếp xảy ra các vụ việc thuốc lá điện tử xâm nhập học đường.
Nhiều nguy hại hiện hữu
Kết quả kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh của Bộ Y tế năm 2022 cho thấy thuốc lá điện tử ngày càng xâm nhập nhiều hơn vào thế giới học đường khi tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng.
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử của người trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.
Vụ việc học sinh Trường Tiểu học Lại Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội) bị người lạ dụ dỗ hút thuốc là điện tử và cho thêm tiền nếu rủ được thêm bạn hút thuốc lá điện tử xảy ra vào cuối tháng Ba vừa qua một lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thuốc lá điện tử xâm nhập học đường.
Trước đó, tháng 12/2022, 8 học sinh Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải nhập viện vì hút thuốc lá điện tử. Tháng 8/2022, 7 học sinh nữ Trường Trung học phổ thông Yên Hưng, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) cũng phải nhập viện vì chóng mặt, buồn nôn sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Theo khuyến cáo của Sở Y tế Hà Nội, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng. Trong đó có rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa.
Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam bày tỏ mối lo ngại về thuốc lá thế hệ mới đang thu hút giới trẻ và có thể làm ảnh hưởng đến tương lai của cả một thế hệ nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.
“Sử dụng nicotine ở tuổi thiếu niên gây hại cho các phần của não kiểm soát sự chú ý, học tập, tâm trạng. Sử dụng nicotine ở tuổi vị thành niên cũng có thể làm tăng nguy cơ nghiện các chất gây nghiện khác trong tương lai,” bác sỹ Tuấn Lâm cảnh báo.
Bộ Y tế cũng đã lên tiếng đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Nâng cao nhận thức
Có con trai năm nay học lớp 6 nhưng chị Nguyễn Thị Thương (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay trước đây, chị nghĩ thuốc lá điện tử là khá xa vời. Tuy nhiên, từ khi xảy ra vụ việc ở Trường Tiểu học Hoàng Liệt, chị đã giật mình nhận ra những nguy cơ là rất hiện hữu.
“Tôi đã phải lập tức cảnh báo với con trai về vấn đề này. Hai mẹ con cùng lên mạng Internet, tìm hiểu các thông tin liên quan, từ sự đa dạng về hình thức ngụy trang cũng như cách sử dụng, tác hại của loại thuốc lá này. Do thuốc lá điện tử hiện nay được ‘đội lốt’ dưới rất nhiều vỏ bọc khác nhau nên tôi nghĩ chỉ có cách tìm hiểu kỹ về nó mới có thể giúp con nhạy cảm hơn, dễ nhận diện hơn nếu tiếp xúc hay bị bạn bè lôi kéo,” chị Thương chia sẻ.
Cùng với sự vào cuộc của phụ huynh, chính quyền các địa phương, các cơ sở giáo dục cũng đã có nhiều hoạt động tuyên truyền cho học sinh liên quan đến vấn đề này. Sau vụ việc học sinh bị dụ hút thuốc lá điện tử ở Trường Tiểu học Lại Yên (huyện Hoài Đức), Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình đã yêu cầu các trường học trên địa bàn lan tỏa thông tin đến phụ huynh, học sinh để tăng cường cảnh giác. Quận cũng yêu cầu các trường tích cực tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh phối kết hợp trong công tác quản lý học sinh, tăng cường đảm bảo an ninh ngoài khu vực cổng trường. Những nội dung này cũng được Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình thông tin trên Zalo của quận và đề nghị người dân chia sẻ.
Thực hiện chỉ đạo này, mới đây, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) đã thông tin tới học sinh và phụ huynh về triển khai những việc cần làm ngay trước các chiêu thức lừa đảo tinh vi đe dọa an ninh trường học.
Theo đó, nhà trường yêu cầu các học sinh tuân thủ các quy định đã cam kết, không la cà trước và sau giờ học, tuyệt đối không tương tác với người lạ, không cho mượn đồ như tiền, xe đạp để bị kẻ xấu lừa; không hút hoặc mua bán thuốc lá điện tử. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, học sinh cần báo thầy cô, cha mẹ. Nếu xảy ra mâu thuẫn xung đột với người lạ thì cần hô hoán hoặc chạy vào trong trường, vào nhà người dân, phải cảnh giác tự cứu mình trước khi đợi cứu.
Nhà trường cũng yêu cầu phụ huynh phối kết hợp trong việc quản lý học sinh, đặc biệt thực hiện ba quản: quản thời gian, quản tiền bạc, quản quan hệ của con.
Theo cô Phạm Thị Hương Giang, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương, trước đó, trường cũng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục học sinh như phối hợp với công an thành phố và công an quận Ba Đình tổ chức buổi tuyên truyền về phòng chống ma túy học đường, phối hợp với công an phường Quán Thánh cho học sinh ký cam kết và xử lý các vi phạm. Nhà trường có Ban phụ trách thường xuyên kiểm tra hành chính, thầy cô cũng luôn sát sao nhắc nhở về vấn đề an ninh trường học.
Trong khi đó, tại huyện Thanh Trì, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phạm Văn Ngát cho hay ngay từ tháng 1/2023, phòng đã chỉ đạo các trường tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật phòng chống ma túy, trong đó có trọng tâm tuyên truyền tác hại của ma túy, các chất ma túy mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu, các sản phẩm thực phẩm (bánh, kẹo, nước hoa quả…) dễ bị tẩm chất ma túy gây độc hại. Cụ thể là tuyên truyền, hướng dẫn học sinh cách nhận diện những thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, kỹ năng phòng tránh, cảnh giác trước ma túy tẩm trong thực phẩm, thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu; xây dựng các chương trình tuyên tuyển bổ ích, hiệu quả, tác động trực tiếp tới nhận thức của người dân, nhất là giới trẻ, học sinh.
Theo ông Ngát, đây là vấn đề phức tạp và bên cạnh sự giáo dục, tuyên truyền của nhà trường, rất cần sự đồng hành của phụ huynh và sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền, lực lượng an ninh, các cơ quan quản lý Nhà nước./.