Thuốc lá thế hệ mới dự kiến sẽ là tâm điểm thảo luận tại COP 10
Không chỉ có Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hiện đang là mối quan tâm của chính phủ nhiều nước. Vì vậy, các sản phẩm này dự kiến sẽ được thảo luận toàn diện tại phiên họp thứ 10 của Hội nghị các Bên (COP 10) về kiểm soát thuốc lá toàn cầu.
Hội nghị COP FCTC được tổ chức hai năm một lần, là nơi để các quốc gia thành viên của WHO đàm phán về các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá.
Từ năm 2004, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước này. Năm nay, COP 10 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tại Panama.
Các quốc gia tiên tiến lên tiếng về chính sách giảm tác hại thuốc lá
Tại COP 10 năm nay, những quốc gia đã áp dụng hướng tiếp cận “giảm tác hại” bằng các sản phẩm không khói thay thế thuốc lá điếu sẽ chia sẻ các câu chuyện thành công của mình.
Tại kỳ gần nhất là COP 9, đại diện chính phủ Anh cho biết: “Chúng tôi tập trung vào việc ngăn chặn giới trẻ bắt đầu thói quen hút thuốc, đồng thời tiếp tục chuyển đổi những người trưởng thành đang hút thuốc sang các sản phẩm ít gây hại hơn như thuốc lá thế hệ mới.”
Trước đó, tại COP 8, Công ước FCTC đã khẳng định thuốc lá làm nóng, một loại thuốc lá thế hệ mới, là sản phẩm thuốc lá và kêu gọi các quốc gia quản lý theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành.
Phái đoàn Mỹ cũng nhấn mạnh: “FDA cũng đã xem xét các đơn đăng ký cho gần 6,5 triệu sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, sao cho tất cả các sản phẩm được kinh doanh đều đã trải qua quá trình xem xét cẩn thận dựa trên cơ sở khoa học.”
Đại diện cho khu vực châu Á, phái đoàn Philippines cho biết, chính phủ nước này đã thông qua thêm 2 luật thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời thừa nhận sự khác biệt cơ bản giữa thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới giảm tác hại.
Ở góc độ khoa học, các chuyên gia y tế đã kêu gọi WHO cần đánh giá cơ hội giảm tác hại cho hàng tỷ người đang hút thuốc trên toàn cầu.
Điều này cũng đã được trích dẫn trong báo cáo TobReg (nhóm nghiên cứu về quy định các sản phẩm thuốc lá) của WHO: “Quy định quản lý toàn diện cần khuyến khích người dùng sử dụng các sản phẩm ít độc hại hơn.”
Cần sớm thống nhất quan điểm về thuốc lá thế hệ mới trước hội nghị COP 10
Tại Việt Nam, từ năm 2014, Chính phủ đã giao Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đàm phán các phiên họp WHO FCTC COP cùng sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ.
Theo quan sát tại các kỳ COP trước đây, mặc dù thành phần tham dự có thay đổi, tuy nhiên cơ cấu các bộ ngành như trên vẫn được giữ nguyên. Đặc biệt, chính sách quản lý thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử từ các quốc gia đi trước cũng là vấn đề mà Việt Nam cần tham khảo theo chủ trương của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.
COP 10 là sự kiện quan trọng của quốc gia và trong đó tiếng nói của Việt Nam trong việc ứng xử với thuốc lá thế hệ mới cần sớm được thống nhất giữa các bộ ngành quản lý.
Bộ Công Thương hiện đã tích cực tiếp thu ý kiến về việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 67/2013 về kinh doanh thuốc lá, liên quan đến thuốc lá thế hệ mới. Theo đó, Bộ Công thương đang đề xuất thí điểm có thời hạn đối với thuốc lá làm nóng.
Đánh giá đề xuất này, Bộ Y tế cho biết hiện còn nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết, bao gồm: hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối... các loại thuế liên quan như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt... quy chuẩn kỹ thuật để quản lý chất lượng, an toàn đối với người sử dụng. Điển hình như việc xác định hàm lượng nicotin được giải phóng khi được làm nóng mà không có quá trình đốt cháy.
Để giúp Bộ Y tế tháo gỡ quan ngại, nhiều bộ ngành ủng hộ đề xuất thí điểm thuốc lá làm nóng của Bộ Công thương đã nêu ra. Cụ thể như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Hiệp hội Thuốc lá...
Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa thuốc lá làm nóng, shisha vào đề xuất Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi nhằm xác định khung thuế áp dụng đối với các mặt hàng thuốc lá mới này.
Trước đó, từ năm 2020 Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Bộ Khoa học-Công nghệ đã nghiên cứu và công bố 3 tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm thuốc lá làm nóng, và đến năm 2022 tiếp tục công bố 4 tiêu chuẩn quốc gia về thuốc lá điện tử.
Về phía Bộ Tư pháp, theo ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế: Đã đến lúc cần đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý ngay, đồng thời cần phân định rõ việc cấm đối với ma túy trá hình ẩn nấp dưới vỏ bọc của thuốc lá điện tử, thay vì cấm toàn bộ ngành hàng thuốc lá thế hệ mới.
Theo ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, việc cấm, không cấm hay tạm dừng nhập khẩu... đối với thuốc lá thế hệ mới cần phải rõ ràng, nhất là đối với thông lệ quốc tế, các thỏa thuận hợp tác quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và đang là thành viên.
Vì vậy, trước sự kiện COP10 năm nay, theo các chuyên gia, việc thống nhất quan điểm khác biệt là cần thiết để sớm có ứng xử đối với mặt hàng này, tạo sự an tâm cho xã hội cũng như tăng thêm uy tín cho Việt Nam trên nghị trường quốc tế./.