Tiến tới quản lý nhà nước về đấu giá tài sản trên môi trường số
Thực tế hiện nay cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ĐGTS còn hạn chế. Trong khi đó, hoạt động ĐGTS rất cần thông tin công khai, chính xác và thống nhất. Hiện cũng chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐGTS nên cũng làm ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động đấu giá và công tác quản lý nhà nước.
Đáng chú ý, việc triển khai thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến theo quy định tại Điều 40 Luật ĐGTS năm 2016 chưa hoàn toàn được thực hiện trên môi trường Internet; quy trình niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá, việc bán hồ sơ, nộp hồ sơ, tiền đặt trước… vẫn được thực hiện trực tiếp như các hình thức đấu giá khác.
Các tổ chức ĐGTS tự xây dựng và vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt mà chưa có quy định về Trang điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất trên cả nước nên gây khó khăn cho các tổ chức đấu giá, người có tài sản trong quá trình lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến, tổ chức thực hiện cũng như việc áp dụng rộng rãi hình thức đấu giá này trên phạm vi toàn quốc, nhất là đấu giá tài sản công, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị. Mặt khác, công tác quản lý các trang trực tuyến của các tổ chức sau khi được phê duyệt cũng gặp nhiều khó khăn.
Một trong những nguyên nhân của bất cập này là do Luật ĐGTS hiện hành chưa quy định đầy đủ trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng, quản lý và hướng dẫn sử dụng Trang thông tin ĐGTS quốc gia và trách nhiệm của tổ chức vận hành nhằm bảo đảm tính độc lập, khách quan, an toàn, bảo mật thông tin trong việc vận hành hệ thống mạng. Chưa quy định về chi phí sử dụng Trang thông tin ĐGTS quốc gia khi thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, chi phí đăng thông báo công khai việc đấu giá trên Trang thông tin này và các chi phí khác có liên quan
Một bất cập khác trong công tác ĐGTS hiện nay là người có tài sản đấu giá, nhất là tài sản công còn chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình bán tài sản, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức ĐGTS, người tham gia đấu giá để trục lợi. Việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm để đấu giá, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa hợp lý, còn có trường hợp giá khởi điểm chênh lệch lớn so với giá thị trường, dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước.
Ngoài ra, hiện vẫn còn tình trạng một số người có tài sản lựa chọn tổ chức ĐGTS để thực hiện đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn tồn tại. Thậm chí có trường hợp một số tổ chức ĐGTS vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận, xử lý, kiến nghị hủy kết quả đấu giá nhưng vẫn được người có tài sản lựa chọn; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá đôi khi chưa chặt chẽ.
Nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chưa đầy đủ, chưa đúng về vai trò, trách nhiệm và phạm vi quản lý nhà nước trong hoạt động ĐGTS; công tác kiểm tra, thanh tra về tình hình tổ chức, hoạt động đấu giá của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương còn hạn chế nên việc phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả.
Do vậy, để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động ĐGTS; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ĐGTS, dự thảo Luật ĐGTS sửa đổi đã bổ sung quy định về trách nhiệm của người có tài sản trong việc dừng tổ chức đấu giá; bổ sung quy định về bảo mật thông tin, tài liệu đấu giá, tổ chức kiểm tra việc thực hiện hợp đồng dịch vụ đấu giá đối với mỗi tài sản đấu giá THADS; bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Thống nhất xây dựng, quản lý hệ thống mạng ĐGTS quốc gia; bổ sung trách nhiệm của tổ chức vận hành hệ thống này để đảm bảo tính đồng bộ trong việc triển khai đấu giá trực tuyến. Qua đó bước đầu tạo cơ sở cho việc tiến tới thực hiện việc ĐGTS cũng như hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước về ĐGTS trên môi trường số, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ĐGTS. Không những vậy, việc áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến trên hệ thống mạng ĐGTS quốc gia còn vừa góp phần đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công khai, thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức trong nước cũng như nước ngoài tham gia đấu giá, vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về ĐGTS, giúp hoạt động này phát triển ổn định, bền vững.