“Tiếng dương cầm trong căn nhà nhỏ…”
Anh Thắng nối nghiệp cha sửa đàn dương cầm - một nghề khó nhọc và tinh tế.
Truân chuyên với nghiệp
Xưởng đàn của anh Thắng nằm sâu trong nhỏ nhỏ ở phố Vạn Phúc, Hà Nội. Ở đây không gian như không hề có mối liên hệ với sự ồn ã của phố phường, chỉ có tiếng rao theo con ngõ và tiếng đàn vang lên mỗi khi anh Thắng lên cung đàn hay kiểm tra cường độ âm thanh.
Không gian lặng thinh đó là yêu cầu của những người thợ, khi một tiếng đàn vang lên họ biết được cây dương cầm này đang “mắc bệnh gì”. Đó là một khả năng tinh tế về mặt âm nhạc tuyệt vời mà hiếm người có được.
Tôi biết bố anh Thắng là bác Quý - một thợ sửa đàn dương cầm hàng đầu ở Hà thành trong Khu tập thể Khâm Thiên. “Ông cụ đã mất rồi, bây giờ anh vẫn tiếp tục con đường cụ đi”, giọng anh bùi ngùi.
Tôi vẫn còn nhớ bác Quý, đó là hình ảnh một ông già cao lớn, với bộ râu dài, lọc cọc chiếc xe đạp với túi đồ nghề, đi tới những khách sạn sang trọng bậc nhất thủ đô hay những gia đình khá giả để “khám bệnh” cho cây piano.
Hồi đó, ông được coi là bậc thầy trong nghề sửa dương cầm ở Hà thành và sự ra đi của ông khiến anh Thắng có một khoảng trống ghê gớm: “Ông cụ là người học ngành cơ khí từ thời Pháp, cụ đến với nghề bằng sự mày mò, ham học hỏi và sáng tạo từ năng khiếu của mình. Cụ không được học nhạc như tôi, nhưng nhạy cảm về âm thanh thì cụ bậc thầy. Hàng chục năm làm công tác tuyên huấn, rồi làm nghề cho Hội nhạc sĩ Việt Nam, cụ đã truyền lại cho tôi cả kinh nghiệm và sự tử tế trong công việc”.
Ở Hà Nội, hồi trước người làm nghề sửa đàn dương cầm như bác Quý là rất hiếm hoi, có thể nói là chỉ có vài người, bây giờ thì nhiều hơn, kèm theo nhiều dịch vụ chuyên nghiệp. Nhưng cuộc đời truân chuyên nay đây mai đó của anh Thắng khiến anh đã không theo nghiệp bố từ khi nhỏ cho dù theo học tại Nhạc viện Hà Nội.
Anh Thắng từng tốt nghiệp ngành violon, rồi tham gia giải phóng miền Nam, nhưng khi đoàn quân đi đến Đà Nẵng thì hòa bình đã lập lại, non sông thu về một mối. Anh trở về thủ đô làm văn công đường sắt, rồi văn công quân khu II. Cuộc sống biểu diễn của các đoàn văn công bình lặng và anh quyết định vào Đà Lạt vào năm 1984.
Tại vùng cao nguyên duyên dáng này, anh đã có nhiều năm làm công việc biểu diễn, đặt bước chân viễn du lên miền đất này để tìm cảm giác của thành phố âm nhạc và các loài hoa. Bốn năm ở đây, cũng không làm anh thôi mong về Hà Nội, và những quyến rũ của miền đất lạnh không níu giữ được anh. Anh trở về Hà Nội và bắt đầu chú ý vào nghiệp chữa đàn dương cầm của bố.
Khi trở về, anh Thắng vẫn chưa bắt quen với cái nghề mẫn cán, tỷ mỉ, cẩn trọng và cần không gian im lặng. Hằng ngày, anh thấy bố mình vẫn lặng lẽ với chiếc xe đạp cọc cạch trên từng con phố Hà Nội với cái nghề có phần bị “hắt hủi” trong xã hội. Phần vì công việc âm thầm, phần nữa vì tiền công không là bao, chủ yếu là làm giúp mọi người và làm cho cảm thấy không bị mất nghề mình theo đuổi.
Nhưng rồi anh Thắng thấy cái tuổi của bố mình cũng già, lưng còng, lại lọ mọ mọi nơi khiến anh không an tâm. Anh bắt đầu vào nghề từ năm 1992 và cùng người cha thương yêu của mình lắng nghe từng âm thanh của biết bao tiếng đàn trong thị thành. Từ ngày nắng hay mưa, giá rét hay nóng nực, cứ có người gọi là hai bố con lên rong ruổi lên đường.
Lắng nghe âm thanh
“Nghề chữa đàn cũng như mọi nghề khác, đòi hỏi phải có cái tâm trong sáng. Tôi sợ nhất là làm nghề bịp bợm”, anh thổ lộ. Anh nói rằng nghề chữa dương cầm đòi hỏi tính kiên nhẫn, sự tinh tế và hiểu biết về sự xuất xứ của từng loại đàn. Đàn của Nhật thuộc loại phổ thông, âm thanh không thể bằng các loại đàn xuất xứ từ Đông Âu.
Những cây đàn từ Đông Âu luôn có âm thanh sang trọng và du dương. Anh ví vậy để nói rằng, nghề chữa đàn thì nhiều người biết, nhưng sửa để có tiếng đàn “trong, đục” ví như cụ Nguyễn Du là chuyện khó. Nó đòi hỏi tính chuyên môn và năng khiếu.
Từ ngày ông cụ mất, anh Thắng mở riêng một xưởng đàn để nhận sửa đàn và mua các loại đàn cũ bị hỏng về sửa lại.
Anh cho biết, nhiều cây đàn cũ lại có âm thanh rất hay hơn những chiếc đàn mới bây giờ. Nhiều người đôi khi lầm tưởng giữa cây dương cầm mới và cũ, cũng như lầm tưởng về mặt thanh âm của tiếng đàn.
Có nhiều nhà giàu mua đàn chủ yếu để trang trí và cho con cái học thêm, nhưng cũng có những gia đình khiêm tốn yêu cây đàn như máu thịt, vì nó gắn bó với họ từ chiến tranh cho đến hòa bình.
Anh nói là nghề sửa đàn cũng giống như sửa xe đạp, có nhiều người sửa nhưng để hiểu được cái xe đạp thì không phải chuyện dễ. Sửa đàn để đánh được và sửa đàn để nghe hay là hai chuyện khác nhau. Nó thuộc về kỹ năng của thợ. “Tôi sửa đàn đúng giá và không bắt bí ai cả. Đó là tiền nghề nghiệp”, anh tâm sự khi tôi hỏi về chuyện giá cả.
Lên dây một cây đàn từ vài trăm ngàn đồng đến một cây đàn hỏng nặng sửa mất vài triệu đồng cũng không phải là cái giá quá đắt. Nhưng với những người yêu tiếng đàn thì quan trọng đối với họ là nghe được tiếng đàn thực của nó. Không phải là tiếng đàn kêu được khi ta đánh mà tiếng đàn chỉ cần chạm nhẹ vào phím đã ngân vang xa, không có tạp âm.
Anh Hùng, một người cùng làm với anh nói: “Nhiều người vẫn coi thường nghề này vì nhiều người không hiểu về âm nhạc. Nghề sửa đàn là một nghề quan trọng và bậc thầy về âm thanh. Điều quan trọng của nghề là mẫn cán, tỷ mỉ và có kỹ năng về âm nhạc”.
Họ là những con người rất đời thường giữa phố phường náo nhiệt. Với chiếc xe máy cà tàng và túi đồ nghề lỉnh kỉnh, anh vẫn mải miết như vậy với từng cung đàn, thớ gỗ… để cho tiếng dương cầm vẫn vang lên thánh thót từ nhà hát sang trọng hay là ngôi nhà nhỏ của một người yêu đàn.