1. Trang chủ /
  2. “Tiếng gọi” từ miền di sản

“Tiếng gọi” từ miền di sản

chủ nhật, 9/4/2023 21:20 GMT+07
Trong nhiều năm qua, huyện Thanh Trì đã bảo lưu hệ thống di sản văn hoá phi vật thể với nhiều loại hình phong phú, đa dạng như nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, đặc biệt là các lễ hội truyền thống được tồn tại và lưu truyền tại các các địa phương.
Giao lưu văn nghệ hát quan họ được tổ chức ở giếng đình trong dịp lễ hội làng Vạn Phúc.

Mảnh đất “giàu” lễ hội

Đến Thanh Trì, hẳn nhiều người sẽ khó quên được điệu Múa Bồng được trình diễn trong các lễ hội của làng Triều Khúc, hay Lễ rước nước trong hội làng Vạn Phúc mang đậm chất dân gian. Trên địa bàn huyện Thanh Trì còn có nhiều di tích cùng các loại hình nghệ thuật độc đáo gắn liền với lễ hội.

Thông qua lễ hội, không chỉ phản ánh tín ngưỡng, tâm linh của văn hóa vùng đất danh hương, mà còn phản ánh đời sống văn hóa tinh thần đa dạng, phong phú, mang đậm tính chất dân gian của phần hội.

Không chỉ trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đều đặn hàng năm có tác dụng giáo dục truyền thống con cháu hướng về cội nguồn, đến với lễ hội, mỗi người dân sẽ cảm nhận được rất rõ nét đẹp của hồn cốt văn hoá Việt vẫn được nuôi dưỡng, gìn giữ qua hàng nghìn đời nay. Lễ hội dân gian vì thế đi vào tiềm thức của mỗi người một cách sâu đậm và trở thành một phong tục tốt đẹp.

Giao lưu văn nghệ hát quan họ được tổ chức ở giếng đình trong dịp lễ hội làng Vạn Phúc.

Chia sẻ về điệu múa nổi tiếng của làng Triều Khúc, anh Bùi Hảo (thôn Triều Khúc, xã Tân Triều) cho biết, “Con đĩ đánh bồng” là sản phẩm văn hóa độc đáo, là niềm tự hào lớn của người dân làng Triều Khúc. Để biểu diễn được điệu nhảy này thì đội nhảy phải là những nam giới được tuyển chọn kĩ càng. Những người nam được chọn phải là trai chưa vợ, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú và có tài nhảy múa.

Ông Nguyễn Văn Nhâm, tổ Tế Nam quan Xã Vạn Phúc cho rằng, lễ hội truyền thống góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, bảo lưu những nét đẹp văn hóa cổ truyền của người dân làng Vạn Phúc, giúp mỗi người thêm yêu, thêm tự hào về truyền thống quê hương, từ đó đồng lòng chung sức xây dựng quê hương ngày thêm phát triển.

Toàn huyện Thanh trì có 45 lễ hội truyền thống gắn với những hoạt động như tế lễ thánh, rước thánh, các diễn xướng dân gian truyền thống đặc trưng như: Chạy cờ (trong lễ hội Triều Khúc, xã Tân Triều), Lễ rước nước (xã Vạn Phúc); kho tàng văn học dân gian, diễn xướng dân gian, phong tục, tập quán, truyền thuyết, thần tích, thần phả.

Các không gian văn hóa gắn liền với di tích, danh thắng, mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc và riêng biệt của từng địa phương. Kho tàng văn hóa phi vật thể còn được thể hiện ở những di chỉ khảo cổ, di tích, công trình tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật độc đáo như: ca trù, hát Chèo, múa Bồng.

Huyện Thanh Trì có một quần thể di tích lịch sử văn hóa đồ sộ với 154 di tích lịch sử văn hóa, được phân bố trên địa bàn 15 xã gồm: 87 di tích đã được công nhận xếp hạng; 6 địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến; 67 di tích chưa được xếp hạng.



Lễ hội thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp.


Cùng với hệ thống các di sản vật thể quý, hiếm được hiện hữu và bảo tồn, Thanh Trì còn bảo lưu được hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình phong phú, đa dạng: nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, đặc biệt là các lễ hội truyền thống được tồn tại và lưu truyền qua nhiều đời tại các địa phương.

Tiêu biểu là Lễ hội Triều Khúc, xã Tân Triều được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Các lễ hội chính có tổ chức lễ rước đều được tổ chức từ 3 - 5 năm một lần; hội lệ đều được tổ chức từ 1 - 2 năm một lần.

Xứng tầm với những giá trị của di sản


Nhìn vào các di tích, di sản phi vật thể có thể thấy, huyện Thanh Trì đã quan tâm đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hoá phi vật thể đã được công nhận.

Ông Lý Duy Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Trì cho biết, ngày 31/12/2021, Uỷ ban nhân dân huyện đã ban hành, triển khai Đề án “Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2021 - 2026”.

Các công trình tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đảm bảo các quy định của pháp luật và an toàn, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, cách mạng, lễ hội dân gian, truyền thống; là cơ sở để huyện hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp văn hoá, phát triển du lịch tâm linh gắn với làng nghề, trải nghiệm trên địa bàn huyện xứng tầm với những giá trị của di tích, di sản trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, nhằm duy trì và phát huy các điệu múa cổ, múa dân gian, huyện Thanh Trì đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật lớn tạo được ấn tượng tốt trong nhân dân. Từ đó, mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân từng bước nâng cao như chương trình liên hoan “Các điệu múa cổ, múa dân gian”; liên hoan “Dân ca Ba miền”.

Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được đẩy mạnh, ngày càng có nhiều tổ chức xã hội và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị văn học, nghệ thuật. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa về lĩnh vực văn học, nghệ thuật được triển khai tích cực.

Thanh Trì tổ chức nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật lớn tạo được ấn tượng tốt trong nhân dân.


Huyện giao ngành văn hóa, thông tin phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn tiến hành công tác rà soát, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn học, nghệ thuật. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao, các sở, ban, ngành Thành phố sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi và giới thiệu các làn điệu dân gian, các hình thức nghệ thuật truyền thống đặc sắc có nguy cơ mai một.

Tiến hành các hội nghị, hội thảo về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật như: Biên soạn, phát hành cuốn “Làng Khoa bảng Tả Thanh Oai”, “Nguyệt Áng Làng Khoa bảng”, “Chu Văn An - Người thầy của muôn đời”, cuốn “Truyện danh nhân Ngô Thì Nhậm”,…

Huyện Thanh Trì cũng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật. Thành lập và duy trì sinh hoạt nhiều câu lạc bộ, nhóm sở thích văn hóa, văn nghệ tại huyện và cơ sở… bởi đó là những mạch nguồn cảm hứng, tác động và hỗ trợ không nhỏ tới các văn nghệ sĩ và nhân dân, cùng nỗ lực xây dựng, bảo vệ, phát huy nét đặc sắc văn hóa truyền thống của quê hương, góp phần tạo dựng lên những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương Thanh Trì.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương: Huyện đã tập trung nhiều nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các giá trị văn hóa, các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống, các thiết chế văn hóa trên địa bàn.


Trên địa bàn huyện hiện có 55 di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình; có một số không gian văn hóa gắn liền với di tích, danh thắng, mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc và riêng biệt của từng địa phương như đình thờ Lão tướng Phạm Tu, Đình thờ tiên triết Chu Văn An, Khu văn chỉ xã Đại Áng, Nhà thờ dòng họ Ngô Thì xã Tả Thanh Oai, Khu di tích 3 mũi tên đồng xã Ngọc Hồi…


Công tác bảo tồn lưu giữ các điệu múa cổ, múa dân gian (như điệu múa Bồng của xã Tân Triều) được chú trọng; hàng năm huyện tổ chức nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ, liên hoan dân ca, giọng hát trẻ huyên Thanh Trì,...