1. Trang chủ /
  2. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là “công việc đầy khó khăn, phức tạp”

Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là “công việc đầy khó khăn, phức tạp”

thứ tư, 22/11/2023 22:10 GMT+07
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 tiếp tục có đổi mới, đạt được kết quả tích cực, khi giải quyết kịp thời 81,7% vụ việc khiếu nại; 86,3% vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là "công việc đầy khó khăn, phức tạp”. Ảnh: P.Thắng Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là "công việc đầy khó khăn, phức tạp”. Ảnh: P.Thắng

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023, sáng ngày 22/11.

Cần giải pháp đột phá trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Nêu ý kiến, đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hoá) nhận định các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài đã được chỉ đạo rà soát, giải quyết liệt.

“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên nhiều vụ việc đã được xử lý, giải quyết nghiêm minh, khách quan, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự của địa phương và cả nước”, theo bà Mẫn.

Bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu cho rằng, còn một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, thiếu sâu sát để có biện pháp hữu hiệu trong giải quyết vụ việc đông người, phức tạp kéo dài.

Vì vậy, bà Mẫn góp ý cần tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở.

“Cần thực hiện tốt quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ người tố cáo, dẫn đến người tố cáo bị trả thù, trù dập”, đại biểu đoàn Mẫn nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo đại biểu, cần xử lý nghiêm tập thể, cá nhân cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo để công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

 Đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hoá). Ảnh: P.Thắng

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho rằng, cần phân loại, làm rõ hơn những vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, những vụ việc tồn đọng từ những năm trước và số vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài theo từng năm để có giải pháp và lộ trình xử lý cụ thể.

“Tôi đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo và có giải pháp, lộ trình cụ thể để xử lý dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; hạn chế tối đa việc phát sinh vụ việc mới gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Trong đó phải làm rõ những giải pháp trọng tâm, then chốt và mang tính đột phá”, bà Sang phát biểu.

Bà Sang còn góp ý, chú trọng hoàn thiện thể chế pháp luật, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp lu; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để hoạt động trái pháp luật.

Những vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan Trung ương, bà Sang đề nghị cơ quan tiếp công dân ban hành văn bản không thụ lý hồ sơ và giải thích, tuyên truyền để công dân hiểu, chấp hành.

Chung mối quan tâm, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đề xuất đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương.

Việc này để hướng tới chủ động lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm tại địa phương, bà Kiều nói.

Còn 147 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp đang tiếp tục giải quyết

Giải trình, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo “là công việc đầy khó khăn, phức tạp”.

Làm rõ thêm một số nội dung đại biểu, cử tri quan tâm, ông Đoàn Hồng Phong cho hay, thực hiện Nghị quyết số 623 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài.

Thanh tra Chính phủ đã tích cực phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, phân loại, giải quyết rất cụ thể được 1.003 vụ việc.

Trong 1.003 vụ việc này, theo báo cáo, các địa phương đã tiến hành kiểm tra, rà soát, phân loại và giải quyết được 856 vụ việc (đạt 85,3%); còn lại 147 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.

“Qua theo dõi Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các đoàn khiếu kiện đông người lên trụ sở các cơ quan Trung ương để khiếu nại, tố cáo các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã giảm, cơ bản được kiểm soát”, Tổng Thanh tra cho hay.

 Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023. Ảnh: P.Thắng

Theo ông Đoàn Hồng Phong, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tăng cường và phát huy trách nhiệm; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài còn lại.

Với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã có quyết định, kết luận giải quyết đúng quy định pháp luật, UBND cấp tỉnh ban hành thông báo chấm dứt xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Việc này làm cơ sở để các cơ quan Trung ương khi nhận đơn thư không chuyển về địa phương.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh giải pháp tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục công dân chấp hành pháp luật, bảo đảm ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

“Tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”, ông Đoàn Hồng Phong khẳng định.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói, Quốc hội ghi nhận, đánh giá công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương.

Với các ý kiến đại biểu, theo ông Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu để đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp.