1. Trang chủ /
  2. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự

Tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự

thứ tư, 28/6/2023 20:37 GMT+07
Quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn bất cập, chưa đầy đủ, làm kéo dài thời gian thi hành án; thiếu cơ chế bảo vệ Chấp hành viên, nhất là khi tổ chức cưỡng chế thi hành án… là những bất cập dần bộc lộ trong quá trình triển khai Luật Thi hành án dân sự (THADS) và các văn bản hướng dẫn trong thời gian qua.
Chấp hành viên phối hợp các ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ (ảnh minh họa). Chấp hành viên phối hợp các ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ (ảnh minh họa).

Chấp hành viên phải “gánh” nhiều áp lực

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS quan tâm. Qua đó tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống THADS. Luật THADS năm 2008 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cơ bản được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp yêu cầu, đặc điểm tình hình của từng giai đoạn.

Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới hoạt động THADS cũng tiếp tục được hoàn thiện, cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất như Luật Giá năm 2012, Luật Phá sản 2014, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 và năm 2017; Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng…

Nhìn chung, quy trình, thủ tục THADS từng bước được hoàn thiện, xác định rõ, quyền, nghĩa vụ của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan THADS, Chấp hành viên và cơ quan, tổ chức trong THADS.

Mặc dù công tác xây dựng thể chế được quan tâm chỉ đạo, thực hiện nhưng pháp luật THADS đã bộc lộ hạn chế, bất cập xuất phát từ nội tại các quy định của Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành hoặc chưa theo kịp các quan hệ phát sinh trong thực tiễn, nhiều quy định chưa đồng bộ với hệ thống pháp luật. Vì vậy phần nào gây kéo dài thời gian và ảnh hưởng tới kết quả thi hành án.

Theo đó, quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hiện nay còn bất cập, chưa đầy đủ, dễ bị lợi dụng để kéo dài thời gian, chây ỳ thi hành án hoặc làm chậm quá trình thi hành án.

Cụ thể, Luật THADS có 17 điều quy định liên quan đến thỏa thuận thi hành án nhằm bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt, thỏa thuận của đương sự. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đạt được thỏa thuận giữa người được thi hành án và người phải thi hành án ở giai đoạn cưỡng chế là khó khả thi như thỏa thuận về giá khởi điểm, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, mức giảm giá nếu bán đấu giá không thành…

Khoản 1 Điều 74 Luật THADS quy định đương sự có quyền yêu cầu Tòa án xác định tài sản riêng trong khối tài sản chung, giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế. Tuy nhiên, nếu đương sự không thực hiện thì Chấp hành viên có trách nhiệm yêu cầu Tòa án. Song, khó khăn trong việc Chấp hành viên sẽ là người phải cung cấp giấy tờ pháp lý cũng như các chứng cứ khác liên quan đến tài sản cho Tòa án, tham gia các hoạt động tố tụng theo yêu cầu của Tòa án theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự, phải nộp các chi phí liên quan trong quá trình tố tụng như phí thẩm định giá, trưng cầu giám định…. Trường hợp này làm kéo dài việc thi hành án, đương sự bất hợp tác trong quá trình Tòa án xác định phần quyền sở hữu, giải quyết, tranh chấp.

Quá trình tổ chức thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhiều trường hợp người thứ ba cầm cố, thế chấp bằng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho người phải thi hành án. Theo quy định tại Điều 71 Luật THADS thì biện pháp cưỡng chế là “kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án”.

Trên thực tế, cơ quan THADS vẫn áp dụng biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người thứ ba nhưng việc chưa xác định vai trò của họ dẫn đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ chưa được quy định rõ như: thực hiện quyền được thông báo thi hành án; lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá và mức giảm giá; quyền nộp tiền để chuộc lại tài sản. Trường hợp người thứ 3 bị Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc ra quyết định mở thủ tục phá sản thì cơ quan THADS có ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án hay không?

Thiếu quy định bảo vệ Chấp hành viên

Ngoài ra, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên hiện nay còn nhiều bất cập, đặc biệt chưa có quy định cụ thể, trực tiếp bảo vệ Chấp hành viên khi tổ chức thi hành án, nhất là đối với các vụ việc cưỡng chế có sự chống đối quyết liệt của đương sự.

Mặt khác, theo thống kê của Tổng cục THADS cho biết, trung bình 1 Chấp hành viên phải tổ chức thi hành hơn 200 việc/năm, đặc biệt ở những địa bàn lớn, phức tạp như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Đồng Nai… thì mỗi Chấp hành viên phải tổ chức thi hành từ 300-500 việc/năm. Cho dù có các cơ chế để kiểm soát chất lượng hoạt động của Chấp hành viên như kiểm sát bởi Viện kiểm sát, thẩm tra của Thẩm tra viên, kiểm tra của cơ quan cấp trên, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng do quá trình tổ chức thi hành án có nhiều trình tự, thủ tục nên vẫn có thể phát sinh sai sót. Điều này gây tâm lý e ngại và tạo áp lực cho đội ngũ Chấp hành viên.

Pháp luật THADS hiện nay có quy định quyền và trách nhiệm kiểm sát hoạt động THADS của Viện kiểm sát trong quá trình thi hành án nhưng khi xem xét trách nhiệm của Chấp hành viên trong trường hợp để xảy ra sai sót thì pháp luật THADS và pháp luật liên quan chưa có quy định gắn trách nhiệm của Viện kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát thi hành án.

Những bất cập nêu trên đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, sửa đổi Luật THADS và pháp luật liên quan để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho Chấp hành viên và cơ quan THADS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.