1. Trang chủ /
  2. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật Thi hành án dân sự

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật Thi hành án dân sự

thứ hai, 21/11/2022 12:39 GMT+07
Năm 2022, công tác thi hành án dân sự (THADS) vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, thích ứng an toàn, phục hồi phát triển của Chính phủ, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống THADS nên công tác THADS về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Thể chế về THADS tiếp tục được hoàn thiện.

Năm 2022, công tác hoàn thiện thể chế về THADS tiếp tục được Chính phủ quan tâm thực hiện. Triển khai Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 Luật trong đó có Luật THADS để kịp thời giải quyết một số tồn tại, vướng mắc về uỷ thác THADS, góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả xử lý tài sản thi hành án, nhất là việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát

Để triển khai thực hiện quy định mới của Luật, Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 353/QĐ-BTP ngày 09/3/2022 ban hành Kế hoạch triển khai Điều 55, 56, 57 Luật THADS, đồng thời phối hợp với Bộ Quốc phòng kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, biên soạn tài liệu, chuyên đề, biểu mẫu nghiệp vụ để quán triệt, hướng dẫn các cơ quan THADS triển khai thực hiện, uỷ thác xử lý tài sản theo quy định mới.

Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến đối với Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại”.

Năm 2022, Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều đợt rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả, đã xây dựng, ban hành 03 thông tư và 01 thông tư liên tịch; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy chế, quy trình nội bộ để phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, chỉ đạo điều hành. Bộ Công an đã tổng kết thi hành Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý kho vật chứng (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 70/2013/NĐ-CP) để làm cơ sở sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý kho vật chứng; ban hành Thông tư số 31/2022/TT-BCA ngày 10/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế THADS của lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định chức danh cán bộ Ngành Thi hành án Quân đội.

Chỉ đạo tổ chức thi hành án linh hoạt

Năm 2022, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kế hoạch liên quan đến công tác THADS, theo dõi THAHC, trong đó có Nghị quyết số 23-NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THADS, theo dõi THAHC giai đoạn 2022 - 2026. Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động của ngành Tư pháp; Chương trình công tác trọng tâm trong lĩnh vực THADS, theo dõi THAHC năm 2022, trong đó giao 09 nhóm chỉ tiêu cơ bản cho các cơ quan THADS địa phương để kịp thời triển khai thực hiện, với tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; đổi mới cách thức giao và chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ từ Tổng cục THADS đến từng cấp, từng đơn vị theo hướng rõ người, rõ việc, với nhiều giải pháp đồng bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện phương án làm việc, tổ chức thi hành án linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương.

Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND cấp tỉnh cũng thường xuyên, chủ động phối hợp chặt chẽ với TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Ban Nội chính Trung ương để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến THADS, nhất là các vụ việc thi hành án lớn, phức tạp trong vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện BCĐTW về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi

Năm 2023, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về THADS và quy định của pháp luật có liên quan như Luật Đấu giá tài sản, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định về xử lý vật chứng, tài sản để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản theo yêu cầu tại Chỉ thị số 04-CT/TW; hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật về THAHC, trước mắt tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; phối hợp với TAND tối cao nghiên cứu, sửa đổi Luật TTHC nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác THAHC.

Năm 2022, các cơ quan THADS đã thi hành xong 539.290 việc, đạt tỉ lệ 82,50%, tăng 6,67% so với năm 2021; Về tiền đã thi hành xong 75.240 tỷ 628 triệu đồng, đạt tỉ lệ 45,42%; tăng 14,21% về tỉ lệ và tăng 28.912 tỷ 450 triệu đồng so với năm 2021.