1. Trang chủ /
  2. Tiếp tục tổ chức hiệu quả Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước

Tiếp tục tổ chức hiệu quả Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước

thứ hai, 4/12/2023 00:49 GMT+07
Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước ( TNBTCNN ) năm 2017 sau 5 năm thi hành đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy vẫn còn nhưng hạn chế, khó khăn. Báo PLVN phỏng vấn ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước

-Xin ông cho biết những kết quả nổi bật sau 05 năm tổ chức thi hành Luật TNBTCNN năm 2017?

Sau 05 năm tổ chức thi hành Luật TNBTCNN năm 2017, có thể khẳng định, hiệu quả của công tác bồi thường nhà nước trên cả nước ngày càng chuyển biến tích cực: hoạt động giải quyết bồi thường được thực hiện kịp thời hơn, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ được thực hiện nghiêm túc hơn, quan hệ phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan cũng được thực hiện chặt chẽ hơn với sự đồng thuận cao trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh của các cơ quan nhà nước trên phạm vi cả nước. Những kết quả nổi bật có thể kể đến như:

Về công tác triển khai, tổ chức thi hành Luật và quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, công tác này được thực hiện chủ động, bài bản, sâu sát hơn, phát huy được vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương (Bộ Tư pháp) và địa phương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Cụ thể:

Các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật được ban hành kịp thời với 01 Nghị định và 03 Thông tư của Bộ Tư pháp, bảo đảm có hiệu lực đồng thời cùng Luật, giúp đưa Luật đi ngay vào cuộc sống, không để xảy ra tình trạng có Luật nhưng phải chờ văn bản hướng dẫn.

Các giải pháp tổ chức triển khai thi hành Luật cả ở Trung ương và địa phương được triển khai đồng bộ, kịp thời, bảo đảm thống nhất nhận thức và cách thức tổ chức thi hành Luật. Ngay sau khi Luật được ban hành, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TNBTCNN (kèm theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 25/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ) và đã ban hành theo thẩm quyền Kế hoạch của Bộ Tư pháp về triển khai thi hành Luật TNBTCNN (ban hành kèm theo Quyết định số 1628/QĐ-BTP ngày 10/10/2017). Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, địa phương tổ chức 02 Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật TNBTCNN. Tại các Bộ, ngành và địa phương, việc tổ chức quán triệt, triển khai thi hành Luật TNBTCNN cho Lãnh đạo và công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, bảo đảm phù hợp với thực tế tại Bộ, ngành, địa phương, giúp cho Luật kịp thời đi vào cuộc sống.

Các hoạt động quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước được tổ chức đồng bộ, kịp thời, như công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TNBTCNN, công tác hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường, giải đáp vướng mắc pháp luật, cung cấp thông tin hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Đặc biệt, để các hoạt động quản lý nhà nước nêu trên được triển khai hiệu quả thì thường xuyên có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương. Việc phối hợp luôn được thực hiện thực chất, trách nhiệm, tích cực và đạt sự đồng thuận cao.

Về tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết yêu cầu bồi thường, trên cơ sở tổng hợp số liệu từ báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, từ khi Luật có hiệu lực ngày 01/7/2018 đến ngày 30/6/2023, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên toàn quốc đã thụ lý, giải quyết hơn 160 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó, số vụ đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là gần 100 vụ việc với tổng số tiền nhà nước phải bồi thường trong các văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là hơn 70 tỷ đồng. So với kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường theo Luật năm 2009, công tác thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 đã được các cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện kịp thời, chủ động, hiệu quả hơn. Điều đó cho thấy sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan giải quyết bồi thường, đồng thời khẳng định hiệu quả của việc thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 trong hơn 05 năm qua.

-Qua tổng hợp, theo dõi kết quả tổ chức thi hành Luật trên toàn quốc, ông đánh giá như thế nào về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai Luật TNBTCNN năm 2017?

Về những thuận lợi:

Trước hết, phải nói đến sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo các Bộ, ngành, Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đối với công tác bồi thường nhà nước. Chính vì vậy mà các hoạt động triển khai và tổ chức thi hành Luật TNBTCNN trên cả nước đã được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao.

Thứ hai, đó là sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan ở Trung ương và địa phương trong quá trình tổ chức thi hành Luật. Nhờ đó, quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước được thực hiện thuận lợi hơn, hiệu quả hơn; việc giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường cũng được nhanh chóng hơn và bảo đảm đúng quy định của pháp luật; một số vụ việc phức tạp đã được các cơ quan cùng phối hợp trao đổi, thống nhất quan điểm áp dụng pháp luật để cơ quan giải quyết bồi thường giải quyết dứt điểm, bảo đảm đúng quy định.

Thứ ba, nhiều kinh nghiệm, bài học được rút ra từ giai đoạn thi hành Luật năm 2009 trước đây đã được các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan giải quyết bồi thường vận dụng, phát huy để tổ chức thi hành Luật năm 2017 hiệu quả hơn.

Thứ tư, sự phát triển của nền kinh tế - xã hội ngày càng cao, trình độ, nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật của các cá nhân, tổ chức cũng ngày được nâng lên đáng kể. Vì vậy, nhiều cá nhân, tổ chức bị thiệt hại bởi người thi hành công vụ đã hiểu rõ quy định của pháp luật về TNBTCNN, từ đó thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường đúng pháp luật hơn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thụ lý và giải quyết yêu cầu bồi thường của cơ quan có thẩm quyền giải quyết bồi thường.

Về những khó khăn:

Thời gian qua việc triển khai, tổ chức thi hành Luật vẫn gặp một số hạn chế, tồn tại như: Một số địa phương chưa thực sự chú trọng công tác tập huấn, tuyên truyền về pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho cán bộ, công chức nên thực hiện công tác này chưa thường xuyên hoặc còn hình thức, hiệu quả chưa cao; công tác hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước tại các địa phương còn lúng túng; công tác phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước có lúc, có nơi chưa có sự chủ động, thường xuyên; cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại một số địa phương chưa nắm bắt được toàn diện, thực chất tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường phát sinh trên địa bàn quản lý của mình; sự hạn chế về số lượng và năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ công chức phụ trách công tác bồi thường nhà nước chưa cao.

- Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác bồi thường nhà nước, đặc biệt là hiệu quả giải quyết các vụ việc bồi thường nhà nước trong thời gian tới, theo ông, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào?

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bồi thường nhà nước nói chung, hiệu quả giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường nói riêng, với vai trò là Thủ trưởng đơn vị tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và thực hiện công tác này, tôi cùng tập thể lãnh đạo Cục xác định một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tổ chức thực chất, hiệu quả Kế hoạch sơ kết 05 năm tổ chức thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 được ban hành theo Quyết định số 1983/QĐ-BTP ngày 07/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; tổng hợp, đánh giá, nghiên cứu hoàn thiện thể chế về pháp luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để khắc phục những bất cập, vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn thi hành Luật và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025.

Thứ hai, tiếp tục tổ chức hiệu quả Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành thông qua một số giải pháp như: tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với VKSNDTC, TANDTC, các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thi hành Luật TNBTCNN; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Cục Bồi thường nhà nước đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị thực hiện ngày càng hiệu quả hơn trong nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội khóa XIV tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, các cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường cần đẩy mạnh tiến độ thụ lý, giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường đã đủ điều kiện và thực hiện nghiêm quy định về xem xét trách nhiệm hoàn trả, xử lý kỷ luật (nếu có) đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại./

-Trân trọng cám ơn ông!