1. Trang chủ /
  2. Tiktok có nhiều trào lưu độc hại: Nhà trường bảo vệ học sinh bằng cách nào?

Tiktok có nhiều trào lưu độc hại: Nhà trường bảo vệ học sinh bằng cách nào?

thứ bảy, 8/4/2023 07:20 GMT+07
Việc tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh để các em biết cách sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, hiệu quả là điều vô cùng cần thiết.
Mạng xã hội Tiktok xâm lấn đời sống của nhiều người, trong đó ảnh hưởng khá lớn tới thế hệ trẻ. Ảnh: Quỳnh Mai

Theo số liệu của DataReportal, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới với khoảng 49,9 triệu người dùng khi kết thúc tháng 2/2023. Nền tảng ứng dụng này xâm lấn đời sống của nhiều người, trong đó có ảnh hưởng khá lớn tới giới trẻ.

Em Trần Hồng H. (học sinh lớp 8 tại Hà Nội) cho biết, mỗi khi rảnh sẽ vào mạng để xem Tiktok. Em thường xem các clip của thần tượng mình yêu thích hoặc các clip theo trào lưu. Bản thân thừa nhận, các clip trên Tiktok rất hấp dẫn cả về hình ảnh lẫn nội dung, tuy nhiên em cũng thấy có những clip nhảm nhí, vô bổ.

Tương tự, em Nguyễn Nhật A. (học sinh lớp 3 tại Hà Nội) cũng rất yêu thích nền tảng mạng xã hội này. Em cho biết, ở trên lớp trong giờ ra chơi nhiều nhóm tụ tập lại để cùng nhau xem Tiktok, hoặc trêu đùa nhau bằng những câu nói theo trào lưu, hay đôi khi sẽ cùng nhau tập nhảy… Khi về nhà, nếu được sự đồng ý, em cũng sẽ mượn điện thoại của bố mẹ để vào mạng xã hội Tiktok.

Tiktok đầy rẫy trào lưu độc hại: Nhà trường bảo vệ học sinh bằng cách nào? - Ảnh 1.
Mạng xã hội Tiktok xâm lấn đời sống của nhiều người, trong đó ảnh hưởng khá lớn tới thế hệ trẻ. Ảnh: Quỳnh Mai

Nhà trường có biện pháp gì để ngăn nội dung độc hại từ Tiktok?

Bên cạnh các nội dung hữu ích với người dùng, có rất nhiều nội dung xấu độc được chia sẻ trên nền tảng TikTok, chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) cho biết, việc học sinh yêu thích mạng xã hội Tiktok và thường làm theo những trào lưu trên Tiktok là có, nhưng nhà trường luôn có những buổi tuyên truyền để giúp các em có thể sử dụng mạng một cách an toàn, hiệu quả.

"Việc tuyên truyền là rất cần thiết, không chỉ riêng đối với việc sử dụng mạng xã hội Tiktok mà trên toàn không gian mạng. Điều này sẽ giúp các em hiểu và nhận biết được nên sử dụng không gian mạng như thế nào để an toàn mà hiệu quả.

Ngoài việc tuyên truyền chung thì tại các lớp cũng sẽ có những buổi mời phụ huynh hoặc chuyên gia đến để nói chuyện, trao đổi trong các buổi hoạt động ngoài giờ hay buổi sinh hoạt cuối tuần để các con thêm hiểu biết hơn", cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy thông tin.

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phong Sắc cũng cho rằng, để ngăn chặn những thông tin xấu độc xâm nhập đến thế hệ trẻ thì điều quan trọng nhất là các cơ quan chức năng cần vào cuộc, triệt để loại trừ những nội dung độc hại ra khỏi mạng xã hội.

Tiktok đầy rẫy trào lưu độc hại: Nhà trường bảo vệ học sinh bằng cách nào? - Ảnh 2.
Cần tuyên truyền giáo dục cho các em học sinh để các em biết cách sử dụng mạng xã hội một cách văn minh. Ảnh minh họa.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Mạnh Hà – Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Yên Bái) cũng cho rằng, việc các cơ quan chức năng vào cuộc để thanh kiểm tra các nội dung trên mạng xã hội Tiktok là rất cần thiết. Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền giáo dục cho các em học sinh để các em biết cách sử dụng mạng xã hội một cách văn minh.

"Nhà trường đã tổ chức tuyên truyền, đồng thời thành lập Tổ phản ứng nhanh (mỗi lớp 3 học sinh) để luôn nắm bắt các thông tin một cách nhanh nhất. Nếu có những thông tin xấu độc thì các em sẽ báo cáo ngay với Ban giám hiệu để chúng tôi kịp thời xử lý. Nhờ việc thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, các em học sinh sẽ dần hình thành được các kỹ năng phản ứng trước thông tin. Nhờ đó biết cách chọn lọc và tránh xa được những trào lưu xấu", thầy Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

Thầy Nguyễn Mạnh Hà cũng nói thêm, hiện nay nhiều gia đình vì sợ con em mình xem phải những nội dung xấu nên cấm con sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, việc làm này là không cần thiết, vì điều đó sẽ càng làm các em tò mò hơn, có thể tạo nên hiệu ứng ngược bằng việc lén lút xem và nguy hiểm hơn là các em sẽ học theo trào lưu đó. Thế nên, việc để các em hiểu và có những kỹ năng phản ứng trước thông tin xấu mới là điều cần thiết.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Phan Huy Chính - Chánh văn phòng Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) chia sẻ, để phòng tránh những thông tin độc hại cho các em học sinh, Trường THPT Đoàn Thị Điểm đã thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa bổ ích.

Như gần đây nhất, nhà trường đã mời Đoàn thanh niên cùng phối hợp tổ chức, chia sẻ những thông tin hữu ích với các em học sinh về cách sử dụng không gian mạng hiệu quả. Và tới đây, nhà trường sẽ tiếp tục mời giảng viên của Học viện Cảnh sát về để hướng dẫn cho các em cách phòng chống những thông tin xấu độc trên mạng xã hội.