Tổ chức OPEC+ nhất trí theo đuổi các mục tiêu về sản lượng
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp trực tuyến ngày 3/4, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí theo đuổi các mục tiêu sản lượng sau khi một số thành viên của nhóm này tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày trong một động thái bất ngờ trước cuộc họp.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, OPEC+, liên minh gồm 23 nhà sản xuất dầu mỏ, tái khẳng định cam kết với Tuyên bố Hợp tác (DoC), được quyết định tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 33 của OPEC+ diễn ra vào ngày 5/10/2022, đồng thời kêu gọi tất cả các nước tham gia tuân thủ đầy đủ cơ chế này.
Tuyên bố cho hay OPEC+ sẽ tiếp tục xem xét các động lực của thị trường và sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 4/6 tới.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi một số thành viên OPEC+ là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iraq, Kuwait, Oman và Algeria tối 2/4 thông báo họ sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô 1,16 triệu thùng/ngày trong thời gian từ tháng 5-12/2023.
Các nước này khẳng định đây là biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ. Nga cũng thông báo mức cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày mà nước này đang thực hiện từ tháng 3-6/2023 sẽ tiếp tục cho đến cuối năm nay. Động thái của Nga đưa tổng mức cắt giảm lên hơn 1,66 triệu thùng/ngày.
Tháng 10/2022, OPEC+ do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu đã quyết định cắt giảm sản lượng tổng cộng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 nhằm hỗ trợ cho giá dầu vốn ngày một sụt giảm trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu yếu đi.
Cam kết cắt giảm sản lượng mới nhất đưa tổng mức giảm sản lượng của OPEC+ lên khoảng 3,66 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 3,6% trong tổng nhu cầu dầu toàn cầu.
Chuyên gia Tim Waterer, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại Kohle Capital Markets, nhận xét các thành viên OPEC+ dường như không hoàn toàn thoải mái khi thấy giá dầu giảm xuống dưới 70 USD/thùng trong thời gian gần đây.
Còn nhà phân tích Vandana Hari, người sáng lập hãng nghiên cứu thị trường năng lượng Vanda Insights (Singapore), nhận định rằng động thái mới nhất của OPEC+ có khả năng đẩy thị trường vào tình trạng thâm hụt trong quý II/2023, trái ngược với dự báo dư thừa được đưa ra trước đó.
Thông báo về quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng của các thành viên OPEC+ đã gây bất ngờ cho thị trường, vốn đang kỳ vọng liên minh này sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách sản lượng được thống nhất vào tháng 10/2022. Giá dầu Brent và dầu WTI đều tăng hơn 6% trong phiên sáng 3/4.
Trong khi đó, nhà phân tích cao cấp Ipek Ozkardeskaya tại Swissquote Bank, cho rằng mặc dù giá dầu có khả năng sẽ tăng lên 90 USD/thùng hoặc thậm chí 100 USD/thùng, nhưng việc duy trì các mức này "sẽ rất khó."
Theo bà, nếu giá dầu cao ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu toàn cầu vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn và làm gia tăng thêm lo lắng về nguy cơ suy thoái, thì giá dầu có thể sẽ nhanh chóng đi xuống.
Các nhà phân tích và giới giao dịch đều cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng bổ sung bất ngờ của OPEC+ có thể đẩy giá dầu quay trở lại mức 100 USD/thùng, khiến thị trường thắt chặt hơn và thúc đẩy các nhà máy lọc dầu đa dạng hóa nguồn cung.
Hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy (Na Uy) đánh giá quyết định mới nhất của các thành viên OPEC+ sẽ khiến giá dầu lên trên 100 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm nay, với giá dầu Brent có thể chạm mức 110 USD vào mùa Hè này.
Ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ) dự báo giá dầu Brent sẽ đạt 100 USD/thùng vào tháng 6 tới, trong khi Goldman Sachs nâng mức dự báo giá dầu Brent lên 95 USD/thùng, tăng 5 USD so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.
Theo đánh giá của giới giao dịch, quyết định mới nhất của OPEC+ là "tin xấu" đối với những người mua dầu và OPEC đang tìm cách "bảo vệ lợi nhuận của họ" trước những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu./.