1. Trang chủ /
  2. Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết về tranh chấp Armenia-Azerbaijan

Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết về tranh chấp Armenia-Azerbaijan

thứ hai, 20/11/2023 11:05 GMT+07
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã ra lệnh cho Azerbaijan cho phép những người Armenia dân tộc chạy trốn khỏi Nagorno-Karabakh vào tháng 9 trở lại và giữ an toàn cho những người Armenia còn lại trong khu vực, như một phần của một loạt các biện pháp khẩn cấp.

Ngày 18/11, Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết về cuộc đụng độ kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan tại lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh, mà Azerbaijan đã chiếm giữ vào tháng 9 trong một cuộc tấn công chớp nhoáng.

“Azerbaijan phải đảm bảo rằng những người đã rời Nagorno-Karabakh sau ngày 19/9/2023 và những người muốn quay trở lại Nagorno-Karabakh có thể trở về một cách an toàn và nhanh chóng, không bị cản trở”, Chủ tọa phiên tòa Joan Donoghue nói.

Tòa án phán quyết, Azerbaijan cũng phải đảm bảo bất kỳ người dân tộc Armenia nào vẫn sống trong khu vực này đều "không bị sử dụng vũ lực hoặc đe dọa khiến họ phải chạy trốn" và ra lệnh cho Baku báo cáo lên Tòa án trong hai tháng để chứng minh những gì họ đang làm để tuân theo phán quyết của ICJ.

armenia.png
Những người tị nạn từ vùng Nagorno-Karabakh di tản đến làng biên giới Kornidzor, Armenia, ngày 27/9/2023 sau cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan vào khu vực Nagorno-Karabakh. (Ảnh: REUTERS)

Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết họ đã cam kết đảm bảo an toàn và an ninh cho mọi người dân, bất kể nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc, đồng thời không buộc người dân tộc Armenia phải rời Karabakh. “Azerbaijan cam kết duy trì nhân quyền của người Armenia ở Karabakh trên cơ sở bình đẳng với các công dân khác của Azerbaijan”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết.

Trước đó, Armenia đã kiện Azerbaijan ra trước ICJ, hy vọng các Thẩm phán sẽ buộc Azerbaijan ngừng di dời người dân tộc Armenia ra khỏi lãnh thổ và tạo điều kiện cho bất kỳ ai muốn quay trở lại.

Cuộc tấn công kéo dài một ngày của Azerbaijan, giúp nước này, lần đầu tiên sau ba thập kỷ, kiểm soát hoàn toàn khu vực miền núi ly khai, đã gây ra một cuộc di cư hàng loạt của người dân tộc Armenia.

Phần lớn trong số 120.000 dân đã trốn sang Armenia trong vài ngày dọc theo con đường Hành lang Lachin chật hẹp, giữa khung cảnh hỗn loạn ở biên giới giữa hai nước.

Armenia đề ​​nghị ICJ ban hành các biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ quyền của người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh, buộc Azerbaijan dừng tất cả các hành động nhằm đưa những người dân tộc Armenia còn lại khỏi Nagorno-Karabakh hay ngăn cản việc trở về nhà an toàn và nhanh chóng của những người phải di dời trong cuộc tấn công quân sự gần đây.

Khu vực Nagorno-Karabakh hiện tại đang hoàn toàn vắng vẻ, với đại đa số người dân tộc Armenia đã chạy trốn sau vụ tấn công.

Trong phiên điều trần ngày 12 tháng 10 tại Tòa án ở The Hague, hai bên đã tranh cãi gay gắt về điều mà Armenia mô tả là "thanh lọc sắc tộc" ở Nagorno-Karabakh.

Yeghishe Kirakosyan, đại diện ICJ của Armenia cho biết: “Mặc dù đã từng chiếm phần lớn dân số của Nagorno-Karabakh trong nhiều thiên niên kỷ, nhưng hầu như hiện tại không có người dân tộc Armenia nào còn lại ở Nagorno-Karabakh. Nếu đây không phải là thanh lọc sắc tộc thì tôi không biết gọi là gì”.

Kirakosyan cho biết ICJ "vẫn còn thời gian để ngăn chặn việc cưỡng bức di dời đối với người dân tộc Armenia" và để "bảo vệ rất ít người dân tộc Armenia còn ở lại Nagorno-Karabakh".

Trả lời về phía Azerbaijan, đại diện Elnur Mammadov cho biết Armenia đã lặp lại cáo buộc thanh lọc sắc tộc thường xuyên đến mức những tuyên bố đó "đã có một cuộc sống riêng". Cho rằng cáo buộc thanh lọc sắc tộc là "vô căn cứ" và "hoàn toàn không có cơ sở", Mammadov nói rằng chúng "không phản ánh thực tế những gì đã thực sự diễn ra ở Karabakh".

Ông nói: “Azerbaijan đã không tham gia và sẽ không tham gia vào hoạt động thanh lọc sắc tộc hay bất kỳ hình thức tấn công nào nhằm vào dân thường Karabakh”.

Baku đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ đang khuyến khích người dân tộc Armenia quay trở lại và sẽ giúp họ đi lại an toàn.

ICJ xử lý các tranh chấp giữa các quốc gia, nhưng mặc dù các quyết định của ICJ có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng Tòa án này lại không có quyền thực thi chúng.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán do quốc tế làm trung gian nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình toàn diện giữa các nước láng giềng Kavkaz vốn là “đối thủ không đội trời chung” đã không tạo ra bước đột phá.

Các biện pháp này chỉ là một phần của tranh chấp pháp lý cạnh tranh giữa Armenia và Azerbaijan trước ICJ. Cả hai quốc gia đều cáo buộc mỗi quốc gia vi phạm hiệp ước chống phân biệt đối xử của Liên hợp quốc. Phán quyết cuối cùng sẽ không được đưa ra trước năm sau.