Tòa án quận 3 cố tình xử một vụ kiện không đúng thẩm quyền
Thụ lý một đằng, xét xử một nẻo
Ngày 29/4/2021, chuyên trang Pháp luật Sao của Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải bài viết phản ánh việc bà Trần Ngọc Bích, con gái của ông Trần Quý Thanh đồng thời là đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát đã có giao dịch mua nhà đất của một cá nhân là nạn nhân trong vụ án “phở Hòa”. Nội dung bài viết phản ánh về cách thức thực hiện giao dịch này giống như các giao dịch mua bán tài sản mà bà Trần Ngọc Bích, Trần Uyên Phương đã thực hiện với nhiều cá nhân khác và đang bị tố cáo “lừa đảo”.
Sau khi chuyên trang Pháp luật Sao đăng tải bài viết trên, Công ty Tân Hiệp Phát đã khởi kiện Báo Pháp luật Việt Nam tại TAND quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Ngày 6/5/2021, TAND quận 3 đã thụ lý vụ án “yêu cầu cải chính, xin lỗi” do Công ty Tân Hiệp Phát khởi kiện.
Khi nhận được thông báo thụ lý vụ án, Báo Pháp luật Việt Nam đã có văn bản nêu rõ, căn cứ quy định tại Điều 26 và Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự, thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực báo chí thuộc về tòa án nơi bị đơn có trụ sở. Do đó, TAND quận 3 không có thẩm quyền thụ lý đơn kiện của Tân Hiệp Phát đối với Báo Pháp luật Việt Nam.
Đại diện Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã làm việc với Chánh án TAND quận 3 để nêu rõ nội dung này. Ông Chánh án đã trả lời, “đây là việc của thẩm phán, nếu không có đơn khiếu nại và chỉ có văn bản nêu ý kiến thì Chánh án không giải quyết”.
Trước ý kiến này của ông Chánh án, Báo Pháp luật Việt Nam đã làm đơn khiếu nại việc thụ lý không đúng thẩm quyền. Điều ngạc nhiên là, trong văn bản trả lời khiếu nại, ông Chánh án TAND quận 3 chỉ nêu “tòa thụ lý đúng thẩm quyền” mà không giải thích gì thêm.
Liên tục trong các văn bản tố tụng, TAND quận 3 đều xác định rất rõ đây là vụ án “yêu cầu cải chính, xin lỗi”, là tranh chấp trong hoạt động báo chí quy định tại Điều 26 Bộ Luật tố tụng dân sự. Nhưng, điều gây sốc là, tại phiên tòa ngày 18/1/2022, thẩm phán Nguyễn Thị Hoa đã công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử một vụ án hoàn toàn khác. Theo đó, tòa đưa ra xét xử vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Tại phiên tòa, đại diện Tân Hiệp Phát nhiều lần khẳng định chỉ yêu cầu gỡ bài và xin lỗi; không yêu cầu bồi thường. Tòa cũng nhận định rõ đương sự không yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Song, điều rất ngạc nhiên là tòa vẫn cho rằng đang xét xử vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Khi tòa bất chấp pháp luật
Ngay tại phiên tòa, đại diện Báo Pháp luật Việt Nam nêu rõ vấn đề thẩm quyền của Tòa án quận 3. Theo đó, Bộ luật tố tụng dân sự quy định, đối với các vụ tranh chấp trong lĩnh vực báo chí, theo quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì do tòa án nơi bị đơn có trụ sở giải quyết. Trụ sở Báo Pháp luật Việt Nam ghi trên giấy phép đã thể hiện rõ là không thuộc địa bàn quận 3, TP Hồ Chí Minh nên Tòa án quận 3 thụ lý là không đúng thẩm quyền.Hơn nữa, đối với việc lựa chọn tòa án nơi nguyên đơn có trụ sở thì Tân Hiệp Phát có trụ sở tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương và cũng không có trụ sở tại quận 3, TP Hồ Chí Minh. Do đó, việc Tòa án quận 3 thụ lý, giải quyết vụ án này rõ ràng là trái pháp luật.
Nghiêm trọng hơn nữa là việc Tòa án quận 3 đã cố tình thay đổi tên vụ án mà không có lý do và căn cứ. Trong suốt quá trình tố tụng, tòa thụ lý và chuẩn bị xét xử vụ án yêu cầu cải chính, xin lỗi nhưng lại đưa vụ án "yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ra xét xử".
Quyết định đưa vụ án ra xét xử vụ án "lạ hoắc" này hoàn toàn khác với quyết định mà Báo Pháp luật Việt Nam nhận được. Song, Tòa án quận 3 không có một lời giải thích nào cho sự bất thường trên.
Luật sư Lê Văn Kiên, ĐLS TP Hà Nội cho rằng, việc đưa vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong khi đương sự không khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã cho thấy cái sai rõ ràng của tòa án và TAND quận 3 phải giải thích trước công luận cũng như cơ quan quản lý nhà nước về sự bất thường này và đây rõ ràng không phải là sự nhầm lẫn do lỗi đánh máy vì việc này đã được đương sự là Báo Pháp luật Việt Nam phát giác và tranh luận tại phiên tòa.
Một điều điều đáng nói hơn nữa, tại phiên tòa, Tân Hiệp Phát chỉ đưa ra chứng cứ chứng minh bà Trần Ngọc Bích giao dịch với ông Trần Anh Tuấn là giao dịch cá nhân chứ không phải giao dịch của Tân Hiệp Phát nên bài viết cho rằng Tân Hiệp Phát mua đất của nạn nhân vụ “phở Hòa” là không chính xác. Đại diện Tân Hiệp Phát không có chứng cứ nào chứng minh các nội dung khác của bài viết là không đúng sự thật. Thế nhưng, TAND quận 3 lại buộc Báo Pháp luật Việt Nam phải gỡ bài viết này để bảo vệ lợi ích cho Tân Hiệp Phát.
Quyết định buộc "gỡ bài" vô căn cứ của Tòa án có thể không làm cho dư luận quên đi những thông tin về vụ việc, mà ngược lại còn làm cho vụ việc có thêm nhiều bài viết khác, để chứng minh rằng một quyết định trái pháp luật không thể bị miệng dư luận.
Cách xử của TAND quận 3 cho thấy sự thiếu hiểu biết về chuyên môn trong lĩnh vực báo chí. Và nghiêm trọng hơn nữa, đây là một quyết định bất chấp pháp luật cả về luật nội dung và pháp luật tố tụng.
Đối với vụ án này, Báo Pháp luật Việt Nam đã nhiều lần có văn bản nêu rõ căn cứ xác định thẩm quyền và chỉ rõ yêu cầu gỡ bài thiếu căn cứ của nguyên đơn, vậy mà TAND quận 3 còn xét xử bất chấp pháp luật. Thử hỏi, đối với những người dân thấp cổ, bé họng thì với cách giải quyết vụ án như trên thì họ có tìm được công lý hay không. Vụ án nhỏ nhưng sai phạm không nhỏ này phải được ông Chánh án TAND quận 3 giải thích rõ trước công luận.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.
…..
10. Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí.
Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;