"Tôn Ngộ Không" Việt Nam trải lòng
Nghệ sĩ Bạch Long. Ảnh: SV.
Chia sẻ trên sóng truyền hình, Bạch Long nhớ lại cuộc đời hoạt động nghệ thuật thăng trầm. Bạch Long cho biết, anh đi hát từ năm 10 tuổi, cố nghệ sĩ Minh Tơ (cha của cố NSND Thanh Tòng) chính là người thầy đầu tiên của nam nghệ sĩ. Năm 1982, Bạch Long nhận vai Thánh Gióng trong vở cải lương Phù Đổng Thiên Vương và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Tiếp đó, Bạch Long thành công với các vai diễn võ tướng như Trần Quốc Toản (Bóp nát quả cam), Phạm Cư Chích (Bão táp nguyên phong), Quách Thái Thọ (Bích Vân Cung kỳ án), Tôn Ngộ Không (Bẩy con yêu nhền nhện)... "Cả nước Việt Nam bắt đầu biết tới nghệ sĩ Bạch Long là năm 1992 khi vào vai Tôn Ngộ Không. Giống như bên Trung Quốc thì có Lục Tiểu Linh Đồng, còn ở Việt Nam thì có Bạch Long vậy đó" - nam nghệ sĩ bộc bạch.
Nghệ sĩ Bạch Long trải lòng về việc sân khấu cải lương bắt đầu thoái trào và từ năm 1986 anh có cơ may tham gia sân khấu kịch nói. Đến năm 2000, nam nghệ sĩ tiếp tục để lại dấu ấn với các vai diễn như Chú chó Lulu, Vua bọ cạp trong Ngày xửa ngày xưa.
Năm 2016, Bạch Long vào vai Thần Chết trong vở Giấc mơ của đạo diễn Thái Kim Tùng, nam nghệ sĩ áp dụng nét mặt trong tuồng cổ vào vai này và đã để lại rất nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. "Tôi mang ơn cố nghệ sĩ Minh Tơ và cố NSND Thanh Tòng. Hai 'ông thầy' này đã truyền lại rất nhiều vốn quý để bây giờ tôi có thể dạy lại cho lớp nghệ sĩ trẻ bây giờ" - nam nghệ sĩ nói.